Xung đột Nga – Ukraine một năm nhìn lại

Đầu tháng 2/2022, Mỹ và đồng minh liên tục phát cảnh báo Nga sẽ can thiệp quân sự vào Ukraine, truyền thông sôi sục, nhưng không ai ngờ sự thật sẽ xảy ra.

5h55 sáng 24/2/2022, chỉ 2 ngày sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa nhân tự xưng Lugansk và Donetsk, Tổng thống Vladimir Putin thông báo phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Trong bài phát biểu trực tiếp ngày 24/2/2022, Tổng thống Putin nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga là hành động tự vệ và rằng Moskva không muốn chiếm Ukraine, mà sẽ "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" quốc gia Đông Âu này.

Ngay trước bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga, còi báo động phòng không bắt đầu vang lên trên khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev. Xung đột Nga – Ukraine chính thức bắt đầu.

Xung đột Nga – Ukraine một năm nhìn lại - 1

Sáng sớm 24/2/2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đồng thời đặt ra mục tiêu "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" quốc gia Đông Âu này. 

Nguồn cơn xung đột

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay đã bắt đầu từ sau khi Liên Xô tan rã và "cháy âm ỉ" đến khi bùng phát cùng với sự kiện Maidan vào tháng 2/2014. Cùng với việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea cũng như sự hình thành của hai nhà nước tự xưng Lugansk và Donetsk, sự đối đầu của hai bên đã đạt đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây hay việc Ukraine liên tiếp tấn công hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine chưa phải là nguyên nhân then chốt dẫn đến cuộc xung đột hiện nay. Lý do lớn nhất khiến Nga can thiệp quân sự vào Ukraine liên quan đến việc Kiev đưa mục tiêu gia nhập liên minh quân sự NATO vào hiến pháp vào tháng 2/2019.

Ở thời điểm đó, Nga vẫn giữ thái độ kiềm chế đợi kết quả từ cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine 2019 với hy vọng căng thẳng sẽ được hạ nhiệt. Kỳ vọng này của Moskva nhanh sụp đổ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngừng theo đuổi việc gia nhập NATO.

Đứng trước động thái đó, tháng 12/2021, Nga gửi Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong đó nêu rõ 3 quan ngại an ninh lớn, được coi như những "lằn ranh đỏ", đó là: 1) Ukraine không thể trở thành thành viên của NATO; 2) NATO không tiếp tục mở rộng sang phía đông; 3) NATO quay trở lại điểm xuất phát năm 1997, nghĩa là trước khi mở rộng sang phía đông, kết nạp các nước Đông Âu và ba nước Baltic làm thành viên.

Hơn 1 tháng sau, Mỹ và NATO gửi lại bản phản hồi tới Nga kèm theo các đề nghị không được đáp ứng thỏa đáng. Theo Mỹ và NATO, tất cả quốc gia có chủ quyền như Ukraine nếu có yêu cầu về an ninh, có thể làm đơn xin gia nhập không chỉ NATO mà bất kỳ tổ chức nào khác phù hợp với lợi ích quốc gia của Ukraine.

Bản phản hồi cũng nhấn mạnh, việc Nga yêu cầu NATO quay trở lại điểm xuất phát năm 1997 là không hợp lý. Điều này khiến Moskva cho rằng, những đề nghị chính đáng của mình không được Mỹ và NATO tôn trọng.

Sau cùng, khi những yêu cầu an ninh mà phía Nga cho là chính đáng không được Mỹ và NATO đáp ứng, Moskva quyết định hành động để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO một lần và mãi mãi bằng "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, đầu tháng 2/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần phát đi cảnh báo rằng Nga sắp có hành động can thiệp quân sự vào Ukraine. Kèm với đó là những bức ảnh vệ tinh về các lực lượng Nga có quy mô lên đến hơn 150.000 quân được triển khai gần biên giới Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, sự gia tăng lực lượng của Nga tại biên giới Ukraine là "dấu hiệu của sự leo thang" và Nga có thể can thiệp quân sự vào Ukraine bất cứ lúc nào, không loại trừ trong khi diễn ra Thế vận hội mùa đông 2022 (bế mạc vào ngày 20/2).

Về phía các nước châu Âu, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp dù liên tục có các hoạt động "ngoại giao con thoi" đến Moskva nhưng không thể làm thay đổi quyết tâm của điện Kremlin. Tổng thống Nga Putin dù nhiều lần tuyên bố có các hành động cụ thể để giảm căng thẳng quanh vấn đề Ukraine nhưng trên thực tế mọi việc đã được an bài.

Ngay từ tháng 11/2021, Nga viện dẫn các cuộc tập quân sự thường niên với đồng minh Belarus để triển khai các lực lượng chiến đấu đến gần biên giới, kéo dài đến tận ngày 20/2/2022. Chỉ 4 ngày sau khi Nga kết thúc cuộc tập trận "Quyết tâm Đồng minh 2022" với Belarus, lực lượng của Moskva bắt đầu tiến vào Ukraine.

Xung đột Nga – Ukraine một năm nhìn lại - 2

Các mũi tấn công của quân đội Nga trong ngày đầu tiên chiến dịch quân sự đặt biệt. (Ảnh: Washington Post)

Chiến dịch quân sự đặc biệt

Sau các đợt không kích đầu tiên diễn ra trên khắp Ukraine, từ phía bắc mũi tấn công của quân đội Nga từ Belarus đánh thẳng về phía Kiev, và từ phía đông bắc đánh vào thành phố Kharkov. Mặt trận phía đông nam được lực lượng Nga chia thành hai mũi tấn công riêng biệt, từ bán đảo Crimea và phía đông nam tiến về vùng Lugansk và Donetsk.

Các cuộc giao tranh đầu tiên giữa hai bên được ghi nhận vào rạng sáng ngày 24/2, khi một mũi tấn công của Nga vượt qua biên giới tiến vào vùng Lugansk.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nga trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt chính là Kiev. Moskva tung vào hướng tấn công này các đơn vị đổ bộ đường không tinh nhuệ nhất. Ngay trong ngày 24/2, lính dù Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Antonov cho phép mở cầu hàng không triển khai thêm lực lượng để bao vây Kiev.

Trong những tuần tiếp theo sau đó, Nga điều động số lượng lớn lực lượng bộ binh cơ giới đến gần Kiev, với đoàn xe quân sự dài 64 km. Đoàn xe di chuyển trên tuyến đường kéo dài từ thị trấn Prybirsk đến tận Hostomel cách Kiev khoảng 20 km.

Do những rắc rối hậu cần cũng như thách thức của lối tác chiến đô thị, đoàn xe quân sự Nga nhanh chóng trở thành mục tiêu phục kích của Ukraine. Điều này buộc Nga phải phân tán đoàn xe, từ bỏ nỗ lực bao vây, kiểm soát Kiev.

Đến ngày thứ 33 của chiến dịch, Nga thông báo hạn chế hoạt động quân sự quanh khu vực Kiev và Chernihiv, đồng thời chuyển trọng tâm chiến dịch sang miền Đông Ukraine nhằm "giải phóng hoàn toàn Donbass".

Ngày 25/3/2022, Trung tướng Sergei Rudskoy, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố về cơ bản hoàn tất giai đoạn 1 chiến dịch quân sự. Từ cuối tháng 3, Nga đã rút lực lượng khỏi Kiev và vùng lân cận, tiếp tục rút dần khỏi tỉnh Kharkov, Đông Bắc Ukraine.

Các nhà phân tích đều nhận định việc thay đổi chiến lược cho thấy kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Nga vào các thành phố lớn ở Đông Bắc Ukraine và Kiev đã không thành. Moskva buộc phải điều chỉnh các mục tiêu cho chiến dịch để ưu tiên cho những nơi họ thực sự có thể giành chiến thắng.

Ngày 20/4/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một tuyên bố cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt chính thức bước sang giai đoạn 2. Cùng với đó các lực lượng Nga dồn sức vào các trận đánh lớn ở miền Đông Ukraine, trong đó có việc giành quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol.

Kể từ khi Nga bắt đầu giai đoạn 2 chiến dịch quân sự đặc biệt, các chiến trường trọng điểm vẫn diễn ra xung quanh vùng Donbass gồm Lugansk và Donetsk. Nga dù vẫn kiểm soát được một phần Kharkov Kherson, và Zaporizhzhia nhưng thực hiện việc mở rộng vùng kiểm soát.

Chiến sự ở miền Đông Ukraine kể từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022 vẫn tập trung ở Donbass, trong đó lực lượng Nga giành được chiến thắng quan trọng ở Lysychansk và Sievierodonetsk, tiến tới việc kiểm soát hoàn toàn vùng Lugansk vào tháng 7/2022.

Ở thế buộc phải có được chiến thắng sau nhiều thất bại liên tiếp, Ukraine phát động chiến dịch phản công đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 6/9/2022. Với kế hoạch đánh nghi binh ở Kherson nhằm thu hút quân chủ lực Nga, quân đội Ukraine bất ngờ phản công trên toàn tuyến Kharkov, đẩy lực lượng Nga vào thế bị động, buộc phải rút về phía bên kia biên giới và phần còn lại vùng Lugansk.

Trước việc phải rút khỏi nhiều khu vực ở Kharkov, quân đội Nga bắt đầu thay đổi chiến lược của họ ở miền Đông Ukraine bằng việc tổng động viên một phần, huy động hơn 300.000 binh sĩ dự bị.

Cuối tháng 9/2022, Nga bất ngờ tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh miền Đông Ukraine gồm, Lugansk, Donetsk, Kherson, và Zaporizhzhia.

Sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh miền Đông Ukraine, chiến sự ở khu vực này không có quá nhiều thay đổi, Moskva tiếp tục với mục tiêu giải phóng hoàn toàn vùng Donbass. Dù Nga buộc phải rút khỏi thành phố Kherson vào tháng 11/2022 nhưng đây vẫn được đánh giá là bước đi cần thiết để Nga có thêm nguồn lực cho các mục tiêu lớn hơn ở Donetsk, đặc biệt là thành phố chiến lược Bakhmut – tâm điểm của giao tranh hiện tại.

Xung đột Nga – Ukraine một năm nhìn lại - 3

Cả Nga và Ukraine đều muốn chiếm ưu thế trên chiến trường từ đó đưa ra yêu cầu trên bàn đàm phán, nhưng cục diện xung đột luôn có sự thay đổi dưới tác động của các thế lực bên ngoài. (Ảnh: CNN)

Xung đột Nga-Ukraine sẽ đi về đâu?

Cùng các đợt tấn công liên tiếp vào Bakhmut, các quan chức Ukraine tin rằng quân đội Nga đang bắt đầu cho một hoạt động quân sự mới ở miền Đông Ukraine, đúng vào kỷ niệm 1 năm bắt đầu chiến dịch quân sự đặt biệt.

Kiev lo ngại Moskva có thể triển khai hàng trăm nghìn quân dự bị cho chiến dịch sắp tới nhằm xoay chuyển tình thế xung đột theo hướng có lợi cho mình, thậm chí có thể thực hiện một nỗ lực khác nhằm kiểm soát thủ đô Kiev.

Về phần Ukraine, nước này đang chuẩn bị cho mọi kịch bản tấn công mới từ Nga, cùng với đó là sự hỗ trợ quân sự có thể xem là không giới hạn từ phương Tây. Giờ đây mọi lằn ranh đỏ đối với viện trợ vũ khí cho Ukraine đều đã không còn, xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa tấn công tầm xa, thậm chí là chiến đấu cơ đều sẽ sớm ra trận.

Tổng thống Zelensky trong một tuyên bố gần đây khẳng định mục tiêu của Kiev không chỉ là ngăn cản các cuộc tấn công mới của Nga mà còn giành lại toàn bộ phần lãnh thổ đã bị Moskva kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Để làm được điều này, Ukraine kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ nhiều hơn và nhanh hơn nữa, cho phép Kiev đạt được lợi thế trước một cuộc đối đầu với Moskva trong thời gian.

Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ 2, phương Tây dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine với hy vọng Kiev sẽ đảo ngược tình thế.

Quân đội Nga trong vài tuần qua liên tục mở các cuộc tấn công vào loạt thành phố ở vùng Donbass, ngoài hai điểm nóng Bakhmut và Ugledar. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga sắp mở chiến dịch quy mô lớn trên toàn mặt trận, sau nhiều tháng hứng chịu các bước lùi liên tiếp trước quân đội Ukraine.

"Những cuộc tấn công gần đây có thể là đòn thăm dò nhằm kiểm tra sức mạnh phòng thủ, cách bố trí lực lượng và phản ứng của Ukraine trước khi Nga tung ra đòn đánh tổng lực", Mick Ryan, chuyên gia quân sự, cựu thiếu tướng lục quân Australia, nhận định.

Những dấu hiệu này cho thấy Nga không có ý định dừng lại hay tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Ukraine khi chưa đạt được lợi thế quân sự trên chiến trường. Trong trường hợp lạc quan nhất, Moskva sẽ nói đến đàm phán sau khi đã kiểm soát hoàn toàn Donetsk.

Trong bối cảnh cả Nga và Ukraine không chấp nhận thỏa hiệp, vẫn chưa rõ phương Tây có thể tiếp tục viện trợ cho Kiev với mức độ như hiện nay hay không khi xung đột tiếp tục kéo dài. Sau nhiều lần đưa ra cam kết "hỗ trợ Ukraine trong khả năng có thể", Mỹ và các đồng minh dường như đã chấp nhận sự thật rằng lợi ích cũng như mục tiêu của họ và Ukraine không tương đồng.

Giới phân tích cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo 3 kịch bản: Nga chiến thắng, Ukraine chiến thắng hoặc cả 2 bên đều rơi vào tình trạng bế tắc.

Kịch bản đầu tiên có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự với NATO và Nga vì viễn cảnh Moskva chiếm ưu thế trên chiến trường có thể khiến NATO sẵn sàng đáp trả lời kêu gọi can dự trực tiếp để hỗ trợ Ukraine. Kịch bản thứ 2 có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân, còn kịch bản thứ 3 sẽ khiến xung đột kéo dài mà không có hồi kết.

 https://vtc.vn/xung-dot-nga-ukraine-mot-nam-nhin-lai-ar743107.html

Trà Khánh / VTC News