- Loạt động thái dồn dập của Israel khi xung đột leo thang
- Jordan triệu hồi đại sứ tại Israel, Iran cảnh báo xung đột leo thang
Các quốc gia, tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, kêu gọi Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Tuy nhiên, cả hai vẫn đang "bỏ ngoài tai" những lời kêu gọi này, đồng thời tiếp diễn những hành động "ăn miếng trả miếng".
Cần phải đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức
Rạng sáng 5/11, Phong trào Hồi giáo Hamas được cho là đã phóng một loạt rocket về khu vực biên giới Israel và lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã đánh chặn thành công 6 trong số 8 quả rocket được phóng từ Dải Gaza. Tối trước đó, hãng thông tấn Palestine WAFA cho biết đã có 51 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cùng hàng chục người khác bị thương, khi Israel không kích vào trại tị nạn Maghazi ở Dải Gaza.
IDF cũng đã xác nhận thực hiện cuộc không kích hôm 3/10 vào trại Jabalia - trại tị nạn lớn nhất ở Dải Gaza - và tiêu diệt Ibrahim Biari, chỉ huy chủ chốt của Hamas đã tham gia vụ tấn công lãnh thổ Israel ngày 7/10. Theo các quan chức y tế Palestine, tính tới ngày 4/11, số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã lên tới 9.488 người và 23.000 người bị thương. Trong khi đó, nhà chức trách Israel cho biết có hơn 1.400 người ở nước này đã thiệt mạng kể từ khi lần xung đột này bùng phát vào tháng trước.
Trong bối cảnh xung đột leo thang như vậy, hàng loạt cuộc tuần hành đã nổ ra hôm 4/11 tại nhiều nước trên thế giới nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Gaza. "Đã đủ rồi. Cuộc xung đột không nên tiếp tục. Chúng tôi cần Chính phủ Mỹ lắng nghe"; "Một lệnh ngừng bắn cần phải đạt được"… là những ý kiến của người dẫn Mỹ khi họ đổ dồn về tòa nhà chính phủ để kêu gọi ngừng bắn tại Gaza. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất tại thành phố này kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7/10 vừa qua. Nhiều người biểu tình cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng hỗ trợ cho Israel.
Tại Đức, khoảng 9.000 người tại Berlin và 17.000 người tại Duesseldorf đã xuống đường tuần hành yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza. Cảnh sát đã bắt giữ 60 người bị tình nghi kích động thù ghét. Cuộc tuần hành ở Thủ đô Paris của Pháp đã thu hút khoảng 19.000 người, trong khi Tổng liên đoàn lao động CGT ước tính có tới 60.000 người tham gia sự kiện này. Những người tuần hành đã tập trung ở trung tâm thủ đô nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn với khẩu hiệu "Chấm dứt vòng xoáy bạo lực" và "Không làm gì, không nói gì cũng là có tội".
Trong khi đó, tại Anh, truyền hình chiếu cảnh đám đông ngồi trước Ga tàu điện Oxford và Quảng trường Giao lộ Piccadilly, sau đó họ tuần hành về Quảng trường Trafalgar ở trung tâm Thủ đô London giương cao biểu ngữ "Ngừng bắn ngay lập tức" cùng nhiều biểu ngữ khác. Cảnh sát ước tính khoảng 30.000 người đã tham gia tuần hành tại Quảng trường Trafalgar. Cùng ngày, khoảng 4.000 người biểu tình mang khẩu hiệu "Ngăn chặn chiến tranh, không phân biệt chủng tộc" đã tổ chức tuần hành trên đường phố Milan của Italy để ủng hộ lệnh ngừng bắn. Tại TP Lahore, các thương nhân Pakistan đã xuống đường mang theo cờ Palestine và biểu ngữ "Cứu Gaza". Còn tại Israel, hàng nghìn người Israel đã tuần hành tại TP Tel Aviv, mang theo cờ, ảnh của một số con tin bị bắt cóc tại Gaza, với biểu ngữ "Trả tự do cho con tin bằng mọi giá".
Trong khi xung đột Israel - Hamas vẫn đang leo thang từng giờ, các cường quốc thế giới và khu vực vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách giải quyết. Không những thế, Mỹ và thế giới Arab còn tỏ rõ bất đồng. Tại cuộc gặp hôm 4/11 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Jordan tại Thủ đô Amman của Jordan, các nhà lãnh đạo Arab đã hối thúc Washington hành động để hướng đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry lần lượt cho biết: "Các nước Arab, thế giới Arab, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột này và chấm dứt việc giết hại người vô tội và sự tàn phá mà nó gây ra". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ ý tưởng đó, nói rằng nếu ngừng bắn thì nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas sẽ có điều kiện tập hợp lực lượng và tấn công Israel một lần nữa.
Gây bất lợi cho Ukraine
Theo giới chuyên gia, xung đột Israel-Hamas càng leo thang thì càng gây bất lợi cho các nỗ lực ngoại giao của Ukraine khi nước này đang tìm cách thu hút sự ủng hộ của các quốc gia thuộc "Global South" (các nước đang phát triển và mới nổi không thuộc phương Tây) để xúc tiến "công thức hòa bình" của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Hội nghị tại Malta là vòng đàm phán hòa bình thứ 3 được Ukraine ủng hộ, đã khai mạc hôm 28 - 29/10 với đại diện của hơn 65 quốc gia nhưng không có Nga tham dự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi tổ chức cuộc họp để tạo ra một mô hình toàn cầu từ kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông. Cuộc họp, được tổ chức kín tại Malta, nhằm đánh giá khả năng của Ukraine và phương Tây trong việc tiếp tục thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn khi xung đột Israel - Hamas đang thu hút sự quan tâm toàn cầu. Cuộc họp ở Malta tập trung vào năm điểm sau: an ninh hạt nhân và phóng xạ, an ninh lương thực và năng lượng, thả tù nhân và người bị trục xuất và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Các chuyên gia lưu ý rằng, đại diện của hơn 65 quốc gia giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine dự kiến thảo luận về các nguyên tắc chính để thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh. Nhưng những cuộc thảo luận này liên tục chuyển hướng sang cuộc tranh luận về khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Cuộc họp ở Malta diễn ra sau các hội nghị tương tự ở Jeddah (Saudi Arabia) và Copenhagen (Đan Mạch) vào mùa hè năm nay, trong đó Ukraine hy vọng từ đó tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh ở cấp nguyên thủ quốc gia.
Vòng đàm phán đầu tiên ở Copenhagen vào tháng 6 chỉ có 15 bên tham gia. Số lượng các bên tham gia tăng lên 43 trong vòng đàm phán thứ hai ở Jeddah vào tháng 8. Tuy nhiên, một trong những nỗi thất vọng chính của hội nghị thượng đỉnh Malta lần này là sự vắng mặt của đại diện Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã có mặt tại cuộc họp trước đó ở Jeddah.