Xung đột Ấn Độ - Pakistan: Lịch sử kéo dài nhiều thập kỷ

Xung đột biên giới Ấn Độ - Pakistan ở vùng Kashmir vốn đã có lịch sử kéo dài hàng chục năm và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn.

Động thái mới nhất của hai nước láng giềng châu Á đẩy xung đột Ấn Độ - Pakistan lên cao trong sáng nay (7/5) chỉ là một chương nữa trong chuỗi dài các cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Câu chuyện mâu thuẫn đã bắt đầu từ những năm 1940.

Dưới đây là những mốc xung đột đáng chú ý nhất:

1947: Cuộc chiến đầu tiên vì Kashmir

Sau khi Anh trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ vào tháng 8 năm 1947, hai quốc gia mới được thành lập – Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi – đã nhanh chóng lao vào một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát vùng núi Kashmir xinh đẹp.

Cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947 (Ảnh: Nickled and Dimed)

Cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947 (Ảnh: Nickled and Dimed)

Ấn Độ tuyên bố chủ quyền dựa trên việc tiểu vương Hindu tại đây quyết định gia nhập Ấn Độ, trong khi Pakistan dựa vào nguyện vọng của người dân theo Hồi giáo tại địa phương để khẳng định yêu sách chủ quyền. Giao tranh kéo dài trong nhiều tháng cho đến khi Liên Hợp Quốc can thiệp, lập ra một đường ranh giới ngừng bắn vào năm 1949, chia vùng đất thành hai phần do mỗi nước kiểm soát. Cả hai nước đến nay vẫn tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Kashmir.

1965: Cuộc chiến thứ hai vì Kashmir

Vẫn theo đuổi tham vọng kiểm soát Kashmir, quân đội Pakistan vượt qua đường kiểm soát vào phần Kashmir do Ấn Độ quản lý. Ấn Độ đáp trả bằng một cuộc phản công quân sự, đẩy cuộc chiến lan rộng ra các vùng biên giới khác.

Cuộc xung đột chứng kiến nhiều trận chiến khốc liệt cả trên bộ và trên không, bao gồm một trong những trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử.

1971: Cuộc chiến về Đông Pakistan

 

Hai nước bước vào cuộc chiến thứ ba, lần này là do các phong trào đòi độc lập ở Đông Pakistan (nay là Bangladesh). Hàng nghìn người thiệt mạng trong cuộc xung đột, kết thúc bằng việc Ấn Độ hỗ trợ khu vực này tách khỏi chính phủ trung ương ở Islamabad để thành lập quốc gia Bangladesh độc lập.

1999: Chiến tranh Kargil

Căng thẳng bùng phát ở vùng núi cao Kargil khi binh sĩ Pakistan vượt qua ranh giới vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đây là lần đầu tiên hai nước giao tranh kể từ khi đều sở hữu vũ khí hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thảm khốc.

Hình ảnh quân đội Ấn Độ tại vùng núi Kargil (Ảnh: The Finacial Express)

Hình ảnh quân đội Ấn Độ tại vùng núi Kargil (Ảnh: The Finacial Express)

Sau nhiều thương vong từ cả hai phía, quân đội Ấn Độ tái chiếm khu vực này và cuộc giao tranh được chấm dứt nhờ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.

2016: Vụ tấn công ở Uri

Ấn Độ tuyên bố đã tiến hành “các cuộc tấn công phẫu thuật” nhắm vào các căn cứ nghi là của phiến quân Hồi giáo trên lãnh thổ Pakistan, nhằm trả đũa vụ tấn công vào một căn cứ quân sự ở Uri thuộc Kashmir.

Islamabad bác bỏ việc có bất kỳ cuộc xâm nhập nào từ phía Ấn Độ và khẳng định không có hành động đáp trả từ quân đội Pakistan.

2019: Vụ đánh bom tự sát ở Pulwama

Sau một vụ đánh bom liều chết tại Pulwama, Kashmir khiến hàng chục binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi đã không kích một địa điểm mà họ cho là trại huấn luyện khủng bố gần thị trấn Balakot, Pakistan.

Hiện trường vụ đánh bom tại Pulwama (Ảnh: National Herald India)

Hiện trường vụ đánh bom tại Pulwama (Ảnh: National Herald India)

Islamabad phủ nhận mục tiêu bị tấn công là trại huấn luyện và nói rằng máy bay Ấn Độ chỉ đánh trúng một quả đồi trống. Pakistan sau đó tiến hành một cuộc phản công bằng đường không, dẫn đến cuộc không chiến giữa hai bên và việc bắt giữ một phi công Ấn Độ.

Căng thẳng chỉ hạ nhiệt sau khi phía Pakistan thả tự do cho viên phi công vài ngày sau đó.

https://vtcnews.vn/xung-dot-an-do-pakistan-lich-su-keo-dai-nhieu-thap-ky-ar941850.html

Phương Anh(Tổng hợp) / VTC News