Chiều 17/7, Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch là đúng quy trình, đảm bảo thoát nước mùa mưa. Việc này cũng đã được công ty thông báo cho tổ chức Nhật đang xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Chiều 17/7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) đã có phản hồi chính thức về thông tin đơn vị này xả nước hồ Tây ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị thử nghiệm công nghệ nano-Bioreator.
Cụ thể, thực hiện văn bản số 3193 ngày 17/4/2019 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc thống nhất mực nước khống chế các sông, hồ điều hòa trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2019 phục vụ thoát nước đô thị, mực nước khống chế vào mùa mưa của Hồ Tây được quy định từ 5.60 - 5.70m.
Tại thời điểm ngày 09/7/2019 (ngày công ty Thoát nước Hà Nội bắt đầu xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch- PV), mực nước hồ Tây đo được là 5.96m vượt (0,26-0,36m) so với mực nước quy định.
Để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực xung quanh hồ Tây, việc đưa mực nước Hồ Tây về mực nước khống chế là cần thiết.
Do vậy từ ngày 9/7 đến 11/7/2019 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành hạ mực nước hồ Tây về mực nước không chế.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẳng định việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch là đúng quy trình. (Ảnh: Thành An)
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội thêm một lần nữa khẳng định, trước khi tiến hành hạ mực nước hồ Tây, Công ty đã thông báo cho JVE và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm.
Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, đúng như dự báo vào chiều tối ngày 15/7, trên địa bàn TP. Hà Nội đã diễn ra trận mưa lớn làm mực nước sông dâng cao và chảy mạnh.
Do việc hoàn thành công tác giữ mực nước của hồ Tây, đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 15/7, lưu vực hồ Tây không xảy ra úng ngập.
Tuy nhiên, ngày 16/7, đại diện JVE và chuyên gia Nhật Bản cho biết việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã ảnh hưởng đến việc thử nghiệm, cụ thể là việc lấy mẫu sau 2 tháng vào ngày 16/7/2019 không thực hiện được vì tính chất dòng nước đã thay đổi.
Về việc này, Công ty Thoát nước Hà Nội đề nghị Công ty JVE nghiên cứu, có giải pháp khắc phục việc sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận khi mưa với dòng chảy mạnh từ nay đến tháng 10/2019 để hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 16/7, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản có công văn gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng tới ngày 17/9 (đây là dự kiến, tùy tình hình nếu có thể rút ngắn hơn).
Cụ thể, trước khi triển khai công tác thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch, ngày 16/5/2019 Công ty Thoát nước Hà Nội và đại diện các sở ngành TP đã thông tin cho Công ty JVE về việc tuyến sông Tô Lịch là sông thoát nước của Thành phố có vai trò chính trong công tác tiếp nhận nước mưa và điều tiều tiết mực nước cho Hồ Tây (khi vượt cos quy định thì phải hạ mực nước).
Trả lời PV Dân Việt trước đó, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông (Công ty Thoát nước Hà Nội) cũng khẳng định, việc dẫn nước vào sông Tô Lịch xuất phát từ mực nước trong Hồ Tây vượt quá mức an toàn. Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mực nước tại Hồ Tây đã chạm ngưỡng gần 4m (mực nước an toàn là 3,75m – PV).
Nói về việc thí nghiệm của JVE, ông Uyên cho rằng, việc thí điểm của đơn vị Nhật Bản vẫn diễn ra. "Người ta cũng xác định làm trong mùa mưa của mình. Việc này họ cũng đã có tính toán", ông Uyên nói.
Được biết, thời điểm thử nghiệm của JVE nằm trong mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm).
Hiện nay, ở gần khu vực thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật, TP. Hà Nội cũng đang thử nghiệm làm sạch nước sông bằng chất Redoxi - 3C... Đồng thời, TP. Hà Nội vẫn thả bè thủy sinh cũng như nạo vét bùn trên sông.
Làm sạch sông Tô Lịch: Tranh luận giữa chuyên gia Nhật và Cty thoát nước |
Việc xả nước hồ Tây đã 'cuốn trôi' kết quả thử nghiệm ở sông Tô Lịch |
Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch chỉ là giải pháp cục bộ |