Có nghề nào dũng cảm hơn việc lao vào những nơi mà người khác đang chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với lửa để "giành lại cái còn trong cái mất"? Đó là công việc thường ngày của những người lính Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Vụ việc chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Chử Văn Khánh (SN 1993) hi sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều qua 18/3 khiến cộng đồng không khỏi xót xa, thương tiếc.
Trong tình huống cấp bách cần sự khẩn trương của lực lượng cứu hộ, áp dụng nguyên tắc cho phép của nghề cứu hộ, chiến sĩ Khánh đã đi ngược chiều trên đường cao tốc. Song do lái xe khách 45 chỗ chạy quá nhanh khi đi qua đường tránh nên đã lao vào xe cứu hộ và gây ra vụ tai nạn thảm khốc.
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Pháp vân - Cầu Giẽ chiều 18/3/2018 đã khiến một chiến sĩ PCCC tử vong ở tuổi 26
Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người tham gia giao thông, hơn ai hết cần trang bị kiến thức luật pháp về an toàn giao thông, kỹ năng xử trí tình huống, đồng thời cũng như một dấu lặng buồn ghi nhận công lao của những con người dũng cảm lựa chọn nghề nghiệp nguy hiểm như nghề cứu hộ cứu nạn.
Còn nhớ vào đêm 7/9/2017 tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM) có một căn nhà bất ngờ bùng cháy. Trong quá trình dập lửa, tầng 1 của căn nhà bất ngờ đổ sập, đè trúng thượng úy Phạm Phi Long của đội cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh khiến chiến sĩ Long tử vong tại chỗ.
Đau xót hơn khi chiến sĩ Long ra đi để lại đứa con thơ 2 tuổi và người vợ đang trong tháng cuối thai kỳ. Nếu còn sống, chỉ một tháng nữa thôi anh Long sẽ đón cô con gái thứ hai chào đời. Và lẽ ra đêm 7/9 đó gia đình anh đã chuẩn bị có chuyến du lịch ở Vũng Tàu nhưng anh đã hủy chuyến đi vì phải đi trực. Và chuyến đi đó không bao giờ thành hiện thực.
Nhiều chiến sĩ PCCC đã chọn cái nghề lao vào nguy hiểm để cứu người khác thoát ra và hi sinh vì sự lựa chọn nhân văn đó (Ảnh: Kênh 14)
Vụ việc tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chiều qua cũng gợi nhớ lại một tai nạn tương tự 3 năm trước tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An). Theo đó, ngày 22/10/2015, tại ngã tư đường Nguyễn Huệ giao nhau với đại lộ Nguyễn Sinh Cung, thị xã Cửa Lò có 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ, chiến sĩ phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An đang lưu thông đến hiện trường chữa cháy.
Khi đang trên đường, xe chữa cháy Zil 130 mang BKS: 37A - 000.40 trên xe chở 7 cán bộ, chiến sĩ gặp xe máy do chị Lê Thị Tú A. (SN 1977), cán bộ trường THCS phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò điều khiển ngược chiều tạt qua đầu xe.
Thấy vậy, tài xế xe chữa cháy đánh lái gấp sang trái để tránh xe máy thì bất ngờ bị mất lái và lật nghiêng, trượt dài khoảng 7m. Hậu quả là chiến sĩ nghĩa vụ Võ Mạnh A. (SN 1995) bị rơi ra khỏi xe và tử vong. Vụ tai nạn đã thêm một lần chứng minh sự thiếu hụt kỹ năng ứng xử của người tham gia giao thông đối với phương tiện cứu hộ cứu nạn.
Và có lẽ, vụ việc cháy quán karaoke ở Hà Nội năm ngoái khiến 13 người tử vong, đến giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với người dân thủ đô, trong đó có 2 chiến sỹ cảnh sát PCCC Hà Nội.
Chiều ngày 1/11/2017 đã xảy ra một vụ cháy lớn tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tàn lửa từ một người thợ hàn đã rơi vào vật liệu dễ cháy của quán karaoke, sau đó lan rộng sang 3 ngôi nhà cao tầng bên cạnh làm bùng phát cháy nổ và kéo dài đến gần 23h đêm cùng ngày mới được khống chế.
Vụ cháy gây thiệt hại vô cùng lớn về người (13 người chết) và thiêu rụi toàn bộ tài sản trong quán số 68 Trần Thái Tông, 3 ngôi nhà bên cạnh bị hư hại một phần.
Trong lúc tham gia phối hợp chữa cháy, có 2 chiến sỹ cảnh sát PCCC đã bị thương. Một người bị bỏng độ 2 ở bàn tay trái. Một chiến sỹ bị mảng kính chịu lực ở tầng 5 của tòa nhà do sức lửa cháy nóng đã vỡ, rơi từ trên cao xuống, đâm qua lớp giầy bảo hộ, làm đứt gân 3 ngón chân ở bàn chân trái.
Tuy không gây thiệt hại tính mạng song vết thương thể xác cũng như tổn thất tinh thần của hai chiến sĩ này cũng sẽ trở thành những bài học đắt giá cho họ trên con đường chiến đấu với hiểm nguy để bảo vệ an toàn tính mạng cho cộng đồng.
Bởi vậy, trong khi đến thăm hai chiến sĩ nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã xúc động nói: “Cháy nổ luôn là vấn đề nóng bỏng hiện nay, vì một khi đã cháy mà không được cứa chữa kịp thời thì hậu quả rất khó kiểm soát. Rất cần sự quả cảm của những "anh hùng thời bình" như các anh…”.
Thiết nghĩ, tai nạn luôn rình rập ở khắp nơi, nhiều khi đến từ hoàn cảnh khách quan, song sự ra đi quả cảm của những chiến sĩ cảnh sát cứu hộ cứu nạn sẽ bớt đi phần bi lụy, lãng phí nếu nó có thể thức tỉnh cộng đồng.
Mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhằm bảo vệ bản thân cũng như ứng xử với tình huống khẩn cấp có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Cứu hộ cứu nạn cần phải trở thành trách nhiệm của toàn xã hội, khi đó sẽ không còn xảy ra những sự hy sinh đáng tiếc như vừa rồi.
Cục CSGT: \'Xe cứu hỏa được đi bất kỳ hướng nào không giới hạn tốc độ\'
Đại diện Cục CSGT cho rằng, khi gặp xe cứu hộ ở bất cứ hướng nào, các phương tiện phải chủ động nhường đường. |
Tài xế xe cứu hỏa kể phút xe bị húc bay trên cao tốc
Trung úy Tuân cho biết, khi xe vừa rẽ vào làn ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân thì bị xe giường nằm chạy tốc ... |
Quyên góp gần 200 triệu đồng ủng hộ chiến sỹ hy sinh khi cứu người bị nước cuốn trôi
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức quyên góp gần 200 ... |