Chuyên gia cho rằng việc xóa bỏ tàu điện ở Hà Nội là một sai lầm trong tầm nhìn phát triển giao thông đô thị, Hà Nội nên khôi phục và phát triển lại tàu điện.
Nhiều năm trước, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng quan trọng của Hà Nội, không chỉ đóng vai trò giải quyết nhu cầu giao thông cho người dân Thủ đô, tàu điện đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của giao thông đô thị. Tuy nhiên, thay vì được mở rộng và hiện đại hóa, tàu điện lại bị xóa bỏ với nhiều tiếc nuối.
Là người trực tiếp chứng kiến sự phát triển cũng như biến mất của tàu điện ở Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng việc xóa bỏ tàu điện ở Hà Nội là rất xót xa, là một sai lầm trong tầm nhìn phát triển giao thông đô thị.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT.
- Trước đây Hà Nội từng có tàu điện, tuy nhiên sau đó chúng ta đã xóa bỏ loại hình giao thông này khiến nhiều người dân và chuyên gia nuối tiếc, thưa ông?
Tàu điện phát triển mạnh nhất ở nước ta vào những năm 1930 – 1940 của thế kỷ XX. Từ sau giải phóng (từ 1954 đến đầu những năm 1970 của thể kỷ XX), thời kỳ hưng thịnh nhất, tàu điện vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Đến khoảng năm 1989, tàu điện chính thức bị xóa bỏ ở Hà Nội. Việc xóa bỏ diễn ra rất nhanh, họ chỉ đào lên rồi láng nhựa là xong.
Tôi là người chứng kiến trực tiếp trong thời gian đó và rất xót xa, nhưng cũng không còn cách nào khác, đó là sai lầm trong tầm nhìn.
Những năm 1980 – 1990, tôi là người nghiên cứu tàu điện và viết rất nhiều bài về vấn đề tàu điện. Sau khi tàu điện bị dỡ bỏ, có nhiều người hỏi tôi tại sao người ta lại dỡ đi, tôi nói mình chỉ là cán bộ của Bộ GTVT thôi, không có quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội hay của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tôi không đổ sai lầm này cho lãnh đạo Bộ GTVT nhưng tôi cho rằng lỗi lớn nhất thuộc những người tham mưu.
Còn nhớ tại hội nghị về giao thông đô thị lần đầu tiên của Bộ GTVT năm 1983, tôi từng đọc bản báo cáo tham luận ủng hộ phát triển tàu điện, hiện đại hóa tàu điện, mở rộng mạng lưới tàu điện Hà Nội, tuy nhiên mấy năm sau (khoảng năm 1989) thì người ta lại dỡ bỏ tàu điện đi, cái đó là rất sai lầm.
Thời điểm đó, không ai hỏi Vụ Vận tải cả. Lúc đó tôi đang phụ trách khách vận của Vụ Vận tải nhưng không ai hỏi chúng tôi, cứ im lặng tháo dỡ tàu điện. 40km tàu điện với 4 tuyến bị xóa bỏ hết, rồi đường sắt cũng bị tháo dỡ rất lãng phí, hàng trăm toa biến thành sắt vụn. Đó là cái đau xót và sai lầm trong giao thông đô thị.
- Nguyên nhân khiến Hà Nội quyết định tháo dỡ tàu điện, thưa ông?
Lúc đó, tàu điện đang hoạt động rất tốt nhưng lại có người tham mưu cho Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch UBND TP Hà Nội là phải dỡ bỏ tàu điện.
Lý do được đưa ra là do tàu điện chiếm không gian trên đường phố, nhận thức đó là hoàn toàn sai lầm. Lý do thứ hai là họ cho rằng xe điện lạc hậu, nhếch nhác, chạy cành cạch, làm xấu thành phố, nhưng mà quan niệm thế thì lại càng sai.
Ngay cả thời điểm bây giờ, người ta cũng chỉ hay nói tàu điện trên cao, tàu điện ngầm nhưng không ai nói đến tàu điện vì quan niệm cho rằng tàu điện là lạc hậu và làm xấu đường nhưng nhận thức như thế là sai lầm.
- Ở nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, tàu điện vẫn được sử dụng, thưa ông?
Tàu điện đã qua rất nhiều thế hệ và đã được cải tiến, nguyên lý vẫn giữ nguyên nhưng đã được cải tiến lên rất nhiều, thậm chí có những loại tàu điện ở Mỹ có thể đặt đường dẫn điện ở dưới đất, không đặt trên cao làm đường thoáng hơn.
Ở các nước như Thụy Sỹ, Hà Lan, Phần Lan hoặc là Đức, Ý, Pháp... tàu điện phát triển rất mạnh. Các thành phố lớn ở Úc họ đều có tàu điện hết trong khi mình lại bỏ tàu điện đi, như thế là sai lầm quá.
Hình ảnh tàu điện chạy trên đường phố Hà Nội xưa. (Ảnh tư liệu)
- Nếu không tháo dỡ tàu điện, chúng ta có cơ hội phát triển loại hình giao thông này thế nào, thưa ông?
Trên thế giới hiện có khoảng 50 - 60 nước đang sử dụng tàu điện, vậy mà chúng ta lại bỏ.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ
Nếu để nguyên như vậy, chúng ta có thể hiện đại hóa tàu điện, đưa các loại tàu thế hệ mới vào như ở Thụy Sỹ, như ở Tiệp Khắc, Đức, Mỹ.
Riêng ở Mỹ, những năm 60 người ta đã từng bỏ tàu điện đi nhưng giờ khôi phục lại rồi. Trên thế giới hiện có khoảng 50 - 60 nước đang sử dụng tàu điện, vậy mà chúng ta lại bỏ.
- Những ưu điểm nào của tàu điện trong hệ thống giao thông đô thị khiến ông tin rằng loại hình giao thông này vẫn còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại?
Về ưu điểm, thứ nhất, tàu là phương tiện đường sắt trên đường phố nên năng suất và khối lượng vận chuyển rất cao, chỉ sau metro. Nếu như metro có thể đạt được năng suất 60 nghìn lượt khách/ giờ thì tàu điện có thể đạt 20 nghìn lượt khách/ giờ, trong khi xe buýt cao nhất chỉ là 5 nghìn hành khách/ giờ.
Trong giờ cao điểm, tàu điện sẽ giúp giải quyết rất nhanh hành khách, hành khách chỉ việc lên tàu, đóng cửa và xe chạy một mạch chứ không chậm như xe buýt. Đây là ưu điểm cốt lõi của tàu điện.
Thứ hai, chi phí đầu tư chỉ ở mức vừa phải, nó đắt hơn xe buýt nhưng rẻ hơn metro rất nhiều, chỉ bằng 1/4, 1/5, thậm chí 1/10 chi phí đầu tư metro, nhất là metro ngầm.
Thứ ba, tàu điện rất “nồi đồng cối đá”, tuổi thọ có thể đến 20 – 30 năm nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển. Rất mạnh mẽ và bền bỉ, tuổi thọ cao. Việc sửa chữa, bảo dưỡng thuận lợi do kết cấu đơn giản.
Thứ tư, tàu điện là phương tiện rất an toàn, vì nó đi trên đường phố và có đường riêng, không chung với phương tiện nào hết. Ở một số nước có đường tàu điện riêng nên rất an toàn.
Thứ năm, tốc độ đảm bảo ổn định, khoảng 20 – 25km/giờ, trong khi xe buýt hiện tại chỉ khoảng15 km/giờ thôi.
Thứ sáu, tàu điện không gây ô nhiễm môi trường do không dùng xăng dầu, không dùng năng lượng hóa thạch mà chủ yếu là năng lượng tái tạo. Làm trong sạch thành phố.
Tàu điện là phương tiện rất an toàn, hợp lý và là một trong những phương tiện được sử dụng nhiều nhất bây giờ, vừa năng suất cao, vừa an toàn, vừa tốc độ, vừa không gây ô nhiễm.
Hiện nay, tàu điện đã được hiện đại hóa ở các nước, được cải tiến hàng chục lần rồi nên tàu điện rất khang trang, lịch sự và văn minh, đi êm, ít tiếng ồn, tiết kiệm điện và an toàn.
- Sau khi xóa bỏ tàu điện, Hà Nội có phương án nào thay thế cho loại hình giao thông này, thưa ông?
Xe buýt điện được phát triển ngay sau khi Hà Nội xóa bỏ tàu điện, vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng do hướng đi không hợp lý, đầu tư không đúng nên dẫn đến thất bại.
Đó là sai lầm, Hà Nội sai lầm nên đã thất bại trong việc phát triển ô tô buýt điện này. Ở đây, bài học là vấn đề đầu tư, tầm nhìn, quy hoạch không hợp lý nên đưa đến thất bại như vậy, thất bại trong việc dỡ bỏ 1 hệ thống tàu điện từ thời Pháp, thất bại trong vấn đề phát triển ô tô buýt điện, thất bại trong vấn đề quy hoạch và phát triển giao thông công cộng.
- Phải chăng việc xóa bỏ tàu điện khiến Hà Nội thiếu đi phương tiện giao thông công cộng, góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân?
Đúng vậy, chính việc bỏ tàu điện khiến chúng ta thiếu phương tiện, gần như chúng ta không có phương tiện công cộng nữa.
Xe buýt sau đó chỉ vận chuyển được khoảng 15 – 16 triệu lượt khách mỗi năm, trong khi riêng tàu điện lúc đấy là khoảng 40 triệu lượt khách rồi nên không ngạc nhiên khi xe máy phát triển rất nhanh. Đó là nguồn gốc của việc xe máy, ô tô cá nhân phát triển lấn áp hoàn toàn phương tiện công cộng.
Phương tiện cá nhân rất thuận lợi, trong khi không có phương tiện công cộng thay thế. Làn sóng ô tô, xe máy phát triển như “sóng thần” át chế các loại phương tiện giao thông công cộng và gần như ngày nay chúng ta không kiểm soát được.
Đó là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Đến hiện nay cũng chỉ có xe buýt thôi, còn tàu điện trên cao, tàu điện ngầm phát triển quá chậm đưa đến vấn đề ùn tắc.
Phương tiện công cộng thay thế thì chỉ có ô tô thôi, nhưng ô tô chạy chậm, chạy không hợp lý và mạng lưới cũng không hợp lý nên không thu hút được người dân, người dân vẫn thích đi xe máy, đi ô tô cá nhân hơn.
Đó là nguyên lý đương nhiên thôi, không có gì trách người dân cả. Chúng ta phát triển phương tiện công cộng thật tốt, thu hút người dân thì người dân sẽ đi và người ta bỏ dần phương tiện cá nhân đi. Theo tôi như thế là nhân văn và hiệu quả nhất, thực tế nhất.
- Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, nhiều người cho rằng, tàu điện đã trở thành nét văn hóa trong giao thông đô thị của Thủ đô?
Tàu điện là phương tiện duy nhất được gọi là phương tiện cổ điển nhưng không phải lỗi thời, lạc hậu và nó sẽ tồn tại mãi mãi với con người vì những ưu điểm của nó.
TS Nguyễn Xuân Thủy
Tàu điện mang tính lịch sử, nhưng đã là giao thông thì phải căn cứ vào hiệu quả. Nếu tàu điện gây ô nhiễm, tiếng ồn hoặc không đảm bảo vấn đề chống ùn tắc thì không phải giữ gìn làm gì cả, nhưng bản chất của sử dụng tàu điện lại rất tốt. Tàu điện là phương tiện cổ điển nhưng cực kỳ tốt.
Tàu điện là phương tiện duy nhất được gọi là phương tiện cổ điển nhưng không phải lỗi thời, lạc hậu và nó sẽ tồn tại mãi mãi với con người vì những ưu điểm của nó.
Xuất hiện từ thế kỷ XIX nhưng rất nhiều thành phố lớn đến nhỏ đều hoạt động tàu điện. Đặc biệt là những nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… tất cả các nước đó lại vẫn đang sử dụng tàu điện, thể hiện tính cổ điển của nó.
- Vậy theo ông, liệu rằng hiện nay, chúng ta có thể khôi phục và phát triển lại tàu điện?
Hoàn toàn có thể được. Thậm chí phát triển lại là cực kỳ tốt, nó rẻ hơn rất nhiều lần so với tàu điện trên cao, 1 tuyến đường sắt trên cao có thể xây dựng 2 – 3 tuyến tàu điện và việc nhập phương tiện rất nhanh. Không có gì khó khăn trong vấn đề này hết.
Tôi cho rằng nếu hiện nay chúng ta đang phát triển metro quá vội vàng, quá sớm trong khi đã bỏ một phương tiện trung gian cực kỳ quan trọng là tàu điện.
Người ta có thể sợ tàu điện chạy sẽ làm chật đường phố tuy nhiên điều đó không đúng. Nó sẽ giảm bớt ùn tắc giao thông và người đi xe rất thuận tiện.
Các vị lãnh đạo nên xem xét, có sự nhìn nhận cầu thị, đánh giá đúng vai trò của tàu tiện. Tận dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này để phát triển giao thông đô thị. Tránh những sai lầm như BRT để rồi sau đó, không ai phải chịu trách nhiệm.
Bắt nghi phạm hành hung cô gái gốc Á trên tàu điện ngầm New York
Người phụ nữ da trắng 40 tuổi bị cáo buộc hành hung một cô gái gốc Á trên tàu điện ngầm ở New York, chấp ... |
Dự án tàu điện 15.000 tỷ đồng nối Đà Nẵng - Hội An
Đà Nẵng công bố dự án tuyến tàu điện dài 33 km từ sân bay chạy dọc ven biển đến Hội An để mời gọi ... |
Bộ VH,TT&DL cần phải trả lời về vị trí đặt ga ngầm C9 gần Hồ Gươm
Chuyên gia cho rằng, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cần phải trả lời cho Hà Nội và dư luận biết chứ ... |
Tàu điện ngầm qua Hồ Gươm được áp dụng "công nghệ chống rung"
"Tháp Bút sẽ không chịu ảnh hưởng của rung động từ đường ray lên mặt đất", đại diện tư vấn Nhật Bản khẳng định. |