Xin đừng nhân danh người nghèo!

“Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo”, “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”… được coi là những phát ngôn gây bão nhất thời gian gần đây.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Thuế VAT rất nhạy cảm nên cần đánh giá tác động khi điều chỉnh
Lương tối thiểu "còm" và tăng thuế VAT: Gánh nặng chồng gánh nặng...

Nguyên cớ một phần vì đối tượng được nói đến là thành phần dân cư luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất trong xã hội, và phần nhiều là vì những phát ngôn đó được nói ra bởi những vị lãnh đạo bộ ngành còn đương nhiệm.

Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã dành hơn 20 phút để nói về những điểm mới trong dự thảo luật Thuế.

Trước ý kiến cho rằng thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Mai khẳng định, bộ Tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Chưa kể, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những người dân trong diện này.

Phát ngôn trên không chỉ hứng “búa rìu” từ dư luận, từ những người dân “không nghèo” – những người chắc chắn sẽ chịu tác động của đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% mà hàng loạt chuyên gia kinh tế đã bày tỏ rõ quan điểm phản bác ý kiến mà vị chức trách bộ Tài chính vừa nêu.

Cũng cùng luận điểm trên, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông?" do báo Công an Nhân dân tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị báo chí đừng dùng từ "người dân" khi nói về việc các lái xe dùng tiền lẻ phản đối ở một số trạm thu phí BOT.

"Nghe có vẻ như là nhân dân cả xã, cả huyện đứng lên phản đối trạm BOT. Phải nói chính xác là những doanh nghiệp vận tải phản đối doanh nghiệp BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không phải nhân dân vùng đặt trạm BOT ở Cai Lậy phản đối, bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho tất cả xe máy… Người lao động, người nghèo nhất trong xã hội là dùng xe máy thì đã được miễn, không ảnh hưởng gì đến những người đó" - ông Kiên nói.

Ở đây phải nói rõ hoàn cảnh phát ngôn của các vị lãnh đạo vì thường dư luận chỉ chăm chăm “ném đá” vào những dòng tít trên báo chí mà chưa cần hiểu những cơ sở mà họ đưa ra quan điểm của mình.

Tuy vậy, chúng ta đều dễ dàng nhận ra, đối tượng mà các phát ngôn “gây bão” hướng đến lại chưa một lần lên tiếng.

“Người nghèo” – họ đang ở đâu trong câu chuyện? Quan điểm của họ thế nào về BOT, VAT – những dòng tin đang làm “mưa làm gió” thời gian qua?

Để “được” liệt vào danh sách người nghèo, hộ nghèo hoàn toàn không đơn giản, những “anh hùng bàn phím” cầm trên tay smartphone chưa chắc đã được chứng kiến.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, người dân hội tụ đủ các tiêu chí về thu nhập (700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị) và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin và 10 tiêu chí khác liên quan, thậm chí cả phần tiếp cận nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh… cũng được đưa vào bộ tiêu chí để xét duyệt vào “chuẩn nghèo”.

Thu nhập 700.000 đồng/người/tháng tức là chỉ có khoảng 25.000 đồng để chi tiêu trong 1 ngày, không bằng mức phí BOT thấp nhất cho một lượt qua trạm Cai Lậy – Tiền Giang (35.000 đồng/lượt) hay trạm thu phí BOT quốc lộ 5 (40.000 đồng/lượt).

Thu nhập 25.000 đồng/người/ngày thì ngoài những nhu cầu tối thiểu như điện, nước, y tế… còn bao nhiêu tiền dành cho mỗi bữa cơm, bao nhiêu tiền để mua sắm những đồ dùng trong diện “chịu thuế VAT”?

Trong lúc dư luận đang bận bảo vệ cho người nghèo, nhân danh “người nghèo” thì những người chuẩn nghèo còn đang bận chạy cơm từng bữa, lo từng đồng tiền trả học phí cho con, mua thêm quyển vở hay cây bút khi năm học vừa bắt đầu…

Phiên chợ đêm Long Biên lúc 2h sáng, trò chuyện với một anh cửu vạn làm nghề ở đây đã ngót 20 năm nuôi ba đứa con đang ở tuổi đến trường, ở trong một phòng trọ 12m2 gần khu chợ cóc nhỏ, hỏi anh “tăng thuế VAT hay trạm thu phí BOT đặt sai chỗ có ảnh hưởng gì không?”, anh chỉ kịp lau mồ hôi rơi ướt đẫm khóe mắt mà rằng: “Vê a tê với bê ô tê là cái gì vậy em?”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

http://www.nguoiduatin.vn/xin-dung-nhan-danh-nguoi-ngheo--a338642.html

/ Hoa Liên/nguoiduatin.vn