- Đầu tư kéo dài tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đến Hoàng Mai
- Công ty Metro Nhật Bản sẽ hỗ trợ nghiệm thu, khai thác tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội
Ngày 7/4, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp chuyên đề nhằm thảo luận, xem xét cho ý kiến cũng như quyết nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm nay.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đánh giá, kinh tế thành phố đã hồi phục sau đại dịch và có nhiều điểm sáng. Trong đó tăng trưởng đạt mức dương, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn quý 1 năm nay tăng gần 1,9%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 121.037 tỷ đồng, bằng đạt 31,3% dự toán và tăng 9,4% so với quý 1 năm ngoái.
Tại kỳ họp này, UBND thành phố cũng trình HĐND xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng như chính sách đặc thù chăm lo cho người cao tuổi và trẻ em mồi côi có hoàn cảnh thực sự khó khăn; củng cố và nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn…
Trình bày trước HĐND thành phố về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, cơ quan quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, TP Hồ Chí Minh là cơ quan được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đường Vành đai 3 chạy qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe, được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các tỉnh, thành tổ chức thực hiện. Dự án được đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư lên đến gần 75.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách TP Hồ Chí Minh là 24.000 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027 và dự kiến được khởi công vào quý 4/2023. Do đó, để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, UBND thành phố trình HĐND xem xét, ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đoạn chạy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trước nhu cầu vận chuyển hành khách của tuyến Metro số 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga sẽ rất đông, do vậy cần có sự hỗ trợ của xe buýt nhằm thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga Metro số 1 và ngược lại. Để thực hiện mục tiêu này, UBND thành phố cũng trình HĐND xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo UBND thành phố, tổng nguồn vốn thực hiện dự án gần 94 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022-2024.
Dự án cũng sẽ tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến Metro số 1 từ việc tái cấu trúc tuyến xe buýt hiện hữu kết hợp với mở các tuyến mới dọc hành lang Xa lộ Hà Nội để kêu gọi đầu tư phương tiện từ các đơn vị vận tải khách. UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc kết nối các nhà ga của tuyến Metro số 1 với tuyến buýt trục chính, tuyết buýt nhánh và tuyến buýt gom sẽ tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức, kết hợp việc khai thác riêng lẻ của mỗi loại hình vận tải để tạo thành mạng lưới liên kết đồng bộ.
Từ đó giúp thu hút hành khách đến từ các khu vực khác đến tuyến Metro số 1 nhằm khai thác hết khả năng vận chuyển hành khách của tuyến Metro này.
/https://cand.com.vn/Giao-thong/xem-xet-viec-dau-tu-ket-noi-xe-buyt-voi-nha-ga-metro-i649648/