Cuộc biểu tình của các đoàn xe phản đối biện pháp chống COVID-19 tại Canada kéo dài sang tuần thứ hai, lan sang New Zealand và Australia.
Hôm 8/2, thủ đô New Zealand tắc nghẽn cục bộ khi những người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19 hình thành "đoàn xe tự do", tràn vào trung tâm và chặn đứng các con đường xung quanh tòa nhà quốc hội.
Hàng trăm ô tô, xe tải và xe máy chở hàng nghìn người từ khắp New Zealand tập trung tại thủ đô Wellington sáng 8/2, phản đối các chính sách cứng rắn trong đại dịch của Thủ tướng Jacinda Ardern.
Đám đông hàng trăm người tụ tập trước quốc hội để nghe các cá nhân diễn thuyết và hô khẩu hiệu, một số dựng lều, cam kết sẽ “ở lại lâu dài”. Thủ tướng Ardern hiện chưa tuyên bố ý định gặp những người này.
Người biểu tình trên xe chặn con đường ở cầu Ambassador, nối Mỹ và Canada. (Ảnh: Reuters) |
Các cuộc biểu tình tương tự diễn ra từ tháng 1 ở Canada, bắt nguồn từ việc nhiều người phản đối quy định bắt các lái xe tải đi qua biên giới sang Mỹ phải tiêm phòng. Nhiều lái xe “bám trụ” cùng xe tải của họ ở Ottawa trong hơn một tuần qua, chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau vì đã “nguy hiểm hóa” những người biểu tình phản đối vaccine. Trước đó, ông gọi họ là nhóm “thiểu số” nhưng rồi số lượng những người này tăng lên và các đoàn biểu tình kéo đến thủ đô.
Hầu hết người biểu tình có quan điểm mạnh mẽ, nhưng một số người khác chỉ tự mô tả họ là “người bình thường”, phải xuống đường vì đã rệu rã sau gần hai năm trải qua các hạn chế chống dịch.
Làn sóng biểu tình tại Canada gây lo ngại ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. Hôm 6/2, một đoàn xe chặn con đường ở Windsor, Ontario, làm tắc nghẽn cây cầu Ambassador – “huyết mạch” đối với ngành công nghiệp ô tô, khi các bộ phận và linh kiện thành phẩm được vận chuyển qua biên giới hàng ngày trên cây cầu này. Nhiều doanh nghiệp tại các khu vực diễn ra biểu tình cũng phải ngừng hoạt động.
Hiện hơn 400 xe tải vẫn đỗ ở trung tâm thành phố Ottawa.
Lực lượng chức năng khá vất vả để kiểm soát tình hình trong các cuộc biểu tình, dù không có trường hợp bị thương nặng nào. (Ảnh: Reuters) |
Lực lượng chức năng khá vất vả để kiểm soát tình hình. Steve Bell, phó cảnh sát trưởng Ottawa, cho biết có nhiều yếu tố phức tạp họ phải cân nhắc nếu muốn giải tán đám đông, như quy mô của đoàn xe, nhiều xe tải, nhiều xe chở theo trẻ em,...
Tương tự, tại Australia, các đoàn xe cũng kéo tới thủ đô trong tuần này để phản đối các hạn chế vì đại dịch. Các cuộc biểu tình - bao gồm cả “Đoàn xe tới Canberra”, đều hưởng ứng làn sóng biểu tình tại Canada.
Một đoàn xe biểu tình xung quanh khu vực tại sân bay Canberra khiến việc di chuyển của du khách gặp gián đoạn. Các cuộc biểu tình khiến xe buýt phải chuyển tuyến đường.
Australia và New Zealand, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, cấm những người chưa được tiêm phòng đến quán cà phê, quán bar và nhà hàng cũng như tham quan bảo tàng hoặc các điểm du lịch khác. Các cuộc biểu tình về biện pháp hạn chế chống dịch đã diễn ra ở cả hai nước này trong suốt cả năm, trong đó những người không tiêm chủng chiếm một thiểu số nhưng có tiếng nói quan trọng.
New Zealand tránh được những thảm họa tồi tệ nhất trong đại dịch sau khi đóng cửa biên giới và thực hiện các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, hạn chế sự lây lan của virus. Quốc gia này chỉ báo cáo 53 trường hợp tử vong vì SARS-CoV-2, trong số 5 triệu người.
Nhưng một bộ phận người dân ở đây cũng đã trở nên mệt mỏi với những biện pháp hạn chế. Thủ tướng New Zealand Ardern tuần trước cho biết nước này sẽ chấm dứt các yêu cầu cách ly đối với khách du lịch theo từng giai đoạn, cam kết không áp đặt thêm các đợt đóng cửa.
Thủ tướng Canada Trudeau trong khi đó tiếp tục xem các quy định tiêm chủng bắt buộc là phương tiện tốt nhất để chống lại đại dịch. Ông cho rằng các cuộc biểu tình “phải dừng lại”, và từ chối đàm phán với những người tham gia.
PHƯƠNG ANH(Nguồn: New York Times, Daily Mail )
Đại dịch Covid-19 “nhấn chìm” mùa cưới ở Ấn Độ |
Olympic Bắc Kinh sẽ không mở bán vé công khai vì đại dịch |
Những “công cụ mềm” giúp châu Á vượt qua đại dịch |