Xe khách bỏ bến: Quản không chặt sẽ tạo tiền đề xấu

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành GTVT về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày (từ ngày 29/4 đến hết 3/5/2023).

Rõ ràng, việc đảm bảo ATGT, an ninh trật tự (ANTT) luôn được các cơ quan chức năng quan tâm từ sớm, nhất là dịp cao điểm, thế nhưng vấn nạn “xe dù, bến cóc”, bắt khách dọc đường, bao năm vẫn chưa ngăn chặn được.

Xe bỏ bến để chạy “dù”?

Theo thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, chỉ trong hai tháng cuối năm 2022, tại bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã có tới 107 xe các doanh nghiệp vận tải đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động trong bến.

ben xe.jpg -0
Cần xử lý nghiêm vụ nhà xe bỏ bến để bắt khách ở ngoài bến. Ảnh minh họa

Điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải đường bộ Hồng Hà chạy chuyến Mỹ Đình-Lạng Sơn bỏ 7 slot (lốt) chạy xe có giờ xuất bến “khá đẹp” như 7h30, 9h25, 15h20…; Công ty cổ phần Vận tải ôtô Phú Thọ chạy tuyến Mỹ Đình-Lâm Thao bỏ 7 slot chạy xe; Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Phúc Hưng bỏ 8 slot xe chạy tuyến Mỹ Đình-Ấm Thượng; Mỹ Đình-Cẩm Khê; Hợp tác xã dịch vụ vận tải hành khách Lý Nhân bỏ 8 slot  xe chạy tuyến Giáp Bát- Hà Nam; Giáp Bát-Vĩnh Trụ; Hợp tác xã vận tải Chùa Hang bỏ 3 slot chạy tuyến Giáp Bát- Thái Nguyên; Hợp tác xã vận tải 27/7 Hà Nội bỏ 4 slot chạy tuyến Gia Lâm-Thái Nguyên, Gia Lâm-Bắc Quang, Gia Lâm-Sao Đỏ…

Trước tình cảnh xe bỏ bến, cũng có ý kiến lo ngại rằng, có thể các nhà xe này ra ngoài chạy, bắt khách trực tiếp. Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội thông tin, hầu hết các xe bỏ slot trong năm 2022 dường như không quay lại trong năm 2023. Tuy nhiên, với xe đã đăng ký hoạt động, qua rà soát cho thấy còn khoảng vài chục lượt xe bỏ bến. Việc những nhà xe này có ra bên ngoài chạy hay không thì bến không nắm được.

Gần đây, đoàn kiểm tra hoạt động vận tải hành khách của Ủy ban ATGT Quốc gia đã đi kiểm tra trực tiếp tại khu vực các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm. Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho biết, có công ty là doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa, tham gia khai thác tuyến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) - Bến xe phía Bắc (Thanh Hóa), bỏ bến ra ngoài hoạt động đón trả khách gần khu vực bến xe. 

Đây không phải là lần đầu tiên nhà xe này bịcơ quan quản lý nhà nước yêu cầu xử lý. Cuối năm 2022, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phát hiện có 85 xe khách nhiều tháng không vào Bến xe Nước Ngầm hoạt động. Trong đó, xe khách của nhà xe nói trên chạy tuyến Bến xe phía Bắc (Thanh Hóa) và Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) bỏ bến nhiều nhất, gồm 39 lượt xe với 10 phương tiện hoạt động/ngày.

Cơ quan chức năng xử lý không xuể

Trong khi bến xe lo mất thị phần thì phía ngoài, lực lượng chức năng cũng lo không kém với tình trạng các nhà xe lập bến “di động” đón trả khách gây mất ANTT, ATGT.

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 đơn vị phụ trách việc đảm bảo ATGT cửa ngõ phía Nam của Thủ đô chia sẻ: Hiện trên địa bàn đội 14 có 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, trong đó bến xe Giáp Bát có 103 doanh nghiệp hoạt động khai thác 79 tuyến, tần suất hoạt động 970 lượt xe/ngày (công suất tối đa 1.517 chuyến/ngày); Bến Nước Ngầm có 100 doanh nghiệp hoạt động khai thác 73 chuyến, tần suất hoạt động 569 lượt xe/ngày (công suất tối đa 1.007 chuyến/ngày). Ngoài ra còn có khoảng 69 doanh nghiệp với khoảng 1.491 xe khách hợp đồng loại từ 10 chỗ đến 16 chỗ chạy qua địa bàn.

Trong thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô có nhiều diễn biến phức tạp như dừng đỗ không đúng nơi quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; để người lên xuống khi xe đang chạy; xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định… trong đó vi phạm chủ yếu tập trung vào các xe ôtô chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội gây nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Cùng sự phối hợp của Công an quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng đã huy động 29 lượt cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 ca công tác, trực tuần tra kiểm soát trên một số tuyến đường từ 7h đến 23h. Kết quả, trong 3 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã xử lý 342 trường hợp xe chở khách vi phạm, trong đó có 82 trường hợp xe chạy tuyến Ninh Bình. Cùng thời gian này, có 7 xe tái phạm nhiều lần như xe BKS: 35B-00178 (16 lần); 335B-003.22 (14 lần); 35B-01192 (8 lần); 35B-00248 (8 lần); 35B-00223 (7lần); 35B-00816 (13 lần) và xe 35B-00600 (14 lần).

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cũng thông tin thêm, tình trạng vi phạm của nhà xe một phần là do tần suất hoạt động của phương tiện quá dày, điển hình là tuyến xe khách chạy Ninh Bình-Hà Nội, trung bình từ 6h sáng đến 18h tối, cứ 5 phút xuất bến một chuyến, có khi trong bến không có khách nào cũng phải xuất bến dẫn đến các phương tiện tìm đủ mọi cách để bắt khách dọc đường. Mặt khác, chưa có chế tài đủ mạnh để phạt các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải hành khách.

Công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách mà nòng cốt là Sở GTVT còn nhiều hạn chế như việc thông tin dữ liệu từ camera lắp đặt trên phương tiện cung cấp cho các đơn vị của Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ gần như bị bỏ trống, không thực hiện hiệu quả…

Từ đây, lãnh đạo Đội CSGT số 14 kiến nghị Sở GTVT Hà Nội sắp xếp lại số lượng phương tiện chạy tuyến cố định cho phù hợp đảm bảo tần suất hợp lý để khai thác hiệu quả; có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh thành có xe bỏ lốt thu hồi phù hiệu của hơn 50 xe ôtô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian liên tục 60 ngày.

Đồng thời đề nghị Sở GTVT các tỉnh thành, Công an các tỉnh thành có biện pháp quản lý, xử nghiêm hơn 50 xe ôtô nêu trên ngay từ địa phương, không để các phương tiện nêu trên di chuyển lên thành phố Hà Nội hoạt động.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy vòng vo đón, trả khách vẫn gia tăng. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khách bằng xe ôtô tuyến cố định và bến xe rơi vào tình trạng rất khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện số lượng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (loại xe limousine 16 chỗ ngồi được cải tạo thành xe từ 10 đến 12 chỗ) đã lên đến con số 175.000 xe, trong khi đó số lượng xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định chỉ là 21.000 xe.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, do không được quản lý theo quy định nên lái xe thường chủ quan phóng nhanh dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe hợp đồng.

Thiết nghĩ, xử phạt doanh nghiệp không chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải không chỉ là nhiệm vụ của Công an, mà còn là nhiệm vụ của Sở GTVT các địa phương khác. Không xử phạt được doanh nghiệp, không thu hồi phù hiệu hoạt động, xe khách liên tỉnh bỏ bến ra “chạy dù” bên ngoài sẽ còn tiếp diễn dai dẳng, thách thức nỗ lực giữ gìn trật tự, ATGT của lực lượng chức năng.

Cùng đó, các xe bỏ bến ra ngoài “chạy dù” còn tạo nên hiệu ứng xấu, lôi kéo nhiều đơn vị vận tải vào cuộc đua “xe dù, bến cóc”, tiết giảm chi phí bến bãi, vượt tuyến, giành giật khách, kinh doanh chộp giật. Hà Nội có đặc thù riêng là đông dân cư, áp lực giao thông lớn.

Hàng trăm chiếc xe khách bỏ bến cùng hàng nghìn xe khách trá hình đang ngày ngày góp phần làm trầm trọng thêm ùn tắc giao thông trong khu vực đô thị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi thì doanh nghiệp hưởng, đóng góp cho địa phương khác, còn hệ luỵ thì Thủ đô phải gánh.

https://cand.com.vn/Giao-thong/xe-khach-bo-ben-quan-khong-chat-se-tao-tien-de-xau-i689994/

Đặng Nhật / cand.com.vn