"Đề xuất được đưa ra quá nhanh, khiến cả người dân và giới chuyên gia hoang mang. Tại sao lại có thể vội vàng như vậy?"
Mới đây, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty TNHH thoát nước Hà Nội (Công ty) cho biết, đề xuất xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3 để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch và điều tiết mực nước hồ Tây có khái toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng và đang được thành phố xem xét.
Theo ông Hùng, nếu được thành phố chấp thuận đề xuất, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây. Khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
|
|
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản bị chìm nghỉm trong nước sau mưa bão. |
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho biết, giới khoa học rất quan tâm và theo dõi sát sao đến những vấn đề liên quan đến sông Tô Lịch.
Cá nhân ông cảm thấy rất bất ngờ khi Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3 để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch và điều tiết mực nước hồ Tây.
"Đề xuất được đưa ra quá nhanh, khiến cả người dân và giới chuyên gia hoang mang. Tại sao lại có thể vội vàng như vậy? Có rất nhiều vấn đề cần phải tính toán trước khi đưa ra một đề xuất nào đó, đừng đơn giản hóa vấn đề như vậy.
Đầu tiên là thí điểm làm sạch sông Tô Lịch công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Người mang công nghệ này về Việt Nam tuyên bố có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng, không cần tách nước thải. Vậy giờ kết quả ra sao?
Rồi đến Công ty thoát nước Hà Nội lại đề xuất xây dựng máy bơm 150 tỷ để bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây và bổ cập cho sông Tô Lịch sau đó tách nước thải để xử lý.
Từ những đề xuất, phương án đã lộ rõ mâu thuẫn trong cùng một hệ thống làm việc. Không thể đùng đùng đưa ra câu chuyện này rồi lại đùng đùng đưa ra câu chuyện khác, cách làm việc rất buồn cười", ông Tứ nêu quan điểm.
Theo TS. Đào Trọng Tứ, tất cả các nhà khoa học đều nhất trí rằng, để làm sạch sông Tô Lịch chỉ cần giải quyết hai vấn đề.
Thứ nhất là xử lý nước thải của sông Tô Lịch, và cơ bản nhất chính là tách nước thải để xử lý và đưa trở lại. Thứ hai là bổ sung nguồn nước sạch để cải thiện con sông (nước từ Hồ Tây, nước từ sông Hồng).
"Giải pháp này không cần phải bàn cãi vì nó quá rõ ràng rồi. Tại sao lại cứ loay hoay mãi ở sông Tô Lịch? rồi cuối cùng cũng chưa đi đến đâu, bỏ mặc các con sông khác, trong đó có nhiều con sông rất quan trọng", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội nên có một có quy hoạch và chương trình toàn diện đối với tất cả các con sông ở Hà Nội. Bởi lẽ, các con sông ở Hà Nội đều có mối liên hệ với nhau.
"Chúng ta nên nhìn rộng ra, đừng chỉ chăm chăm vào sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch sạch rồi những con sông khác thì sao? người dân thủ đô đâu chỉ sống quanh sông Tô Lịch, những chỗ khác thì sao? như vậy là không hợp lý.
Tư duy của một người làm quy hoạch là như thế. Anh phải có quy hoạch anh phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài và bền vững. Khi phát triển một dự án khoa học cần lấy ý kiến của giới chuyên môn, cần có các buổi hội thảo để tìm ra phương án tối ưu", ông Tứ nhấn mạnh.
Đề xuất chi 150 tỷ đồng dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch |
Tiến sĩ Nhật tắm sông Tô Lịch, cảm ơn Thủ tướng trước khi về nước |
Nước hồ Tây lại xối vào sông Tô Lịch, 'nhấn chìm' thiết bị Nhật |