Nghị quyết 26 vừa được Tổng Bí thư ký ban hành nêu rõ: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 26 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bí thư tỉnh, thành không phải người địa phương
Nghị quyết 26 nêu rõ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Theo Nghị quyết 26, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Cùng với đó là tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, TP Hà Nội hôm 13-5
Vì vậy, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 26 là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...
Theo đó, đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương... Đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết 26 nêu rõ tỉ lệ cán bộ trẻ trong bộ máy. Cụ thể, đối với cán bộ cấp chiến lược là thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; 40% - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (đối với quân đội, công an có quy định riêng của Bộ Chính trị). Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở trung ương: 20% - 25% dưới 40 tuổi, 50% - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Còn đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: 15% - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, 25% - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế...
Tiến tới bỏ "biên chế suốt đời"
Về giải pháp, Nghị quyết 26 nêu rõ đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Tiếp tục thực hiện chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội Đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện; thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện. Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nghị quyết 26 nhấn mạnh vấn đề xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Tiếp tục mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Nghiên cứu thực hiện cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".
Nghị quyết 26 cũng nêu rõ việc hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. Không lấy việc bố trí chức vụ, phong hàm, phong thăng quân hàm, nâng ngạch để thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.
Đáng chú ý là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu, theo hướng được phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển.
Bên cạnh đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm". Đồng thời, tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ...
Xây dựng "hình ảnh" các chức danh lãnh đạo
Nghị quyết 26 quy định việc định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cho các nhiệm kỳ. Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng "hình ảnh" các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bài và ảnh: Thế Dũng
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải xin rút đơn từ chức
Lý do rút đơn xin từ chức được ông Đoàn Ngọc Hải lý giải là để tiếp tục làm việc, cống hiến khả năng, sức ... |
Mỗi năm có 5 tỷ USD ngân sách sử dụng sai mục đích: Phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Liên quan vấn đề mỗi năm có 5 tỷ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, trong trường ... |
Cử tri TP HCM nói thẳng cán bộ chưa có "văn hóa từ chức"
Các án kỷ luật chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo thì không thể đủ sức răn đe cán bộ trước sự cám dỗ quá ... |