- Giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu: Dân mong chờ, cơ quan quản lý “đau đầu”
- Doanh nghiệp vận tải trong ‘bão giá’ xăng dầu: Cận kề phá sản
Lãnh đạo doanh nghiệp vận tải nói xăng dầu lúc tăng thì vài nghìn đồng/lít, nhưng giảm chỉ vài trăm đồng, khó tránh thua lỗ nếu không nhanh chóng giảm thuế.
Ngày 1/7, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON92 giảm 410 đồng, RON 95 giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng. Với việc điều chỉnh này, giá xăng E5 RON92 hiện là 30.890 đồng, xăng RON95 về mức 32.760 đồng, dầu còn 29.610 đồng/lít.
Chia sẻ với VTC News, ông Đỗ Quốc Huy, Phụ trách Kinh doanh Công ty cổ phần Vận tải T.B, cho biết, mức giảm trên không thấm tháp gì sau nhiều lần xăng dầu tăng phi mã. Hầu hết doanh nghiệp vận tải vẫn đau đầu với bài toán kinh doanh và cầm chắc thua lỗ nếu nhà điều hành không có giải pháp căn cơ để “hạ nhiệt” giá mặt hàng chiến lược này.
“Xăng giảm 110 - 410 đồng, dầu diesel giảm 400 đồng/lít, không bõ bèn gì. Doanh nghiệp vận tải vẫn rất khó khăn”, ông Huy nói.
Vẫn theo ông Huy, ngoài giá xăng dầu leo cao, doanh nghiệp của ông còn đối mặt nhiều khó khăn khác. Đơn cử như vấn đề giá cước, nhiều khách hàng nghe giảm giá xăng đã chất vấn nhà xe vì sao xăng dầu giảm mà giá cước chưa giảm (?). Thực tế, với giá cước hiện nay, doanh nghiệp phải co kéo hết cách mới đủ hòa vốn, đừng nói đến có lãi.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cũng lo lắng không kém khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao.
Ông Bằng thông tin, hiện nay, lượng xe nằm bãi của Minh Thành Phát nhiều hơn xe chạy. Tới đây, nếu giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm, dồn chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động.
“Xăng dầu giảm vậy thì biết vậy chứ đau đầu lắm rồi. Tôi nghe nói tới đây giá xăng dầu còn tăng nữa. Tình hình này không biết kinh doanh thế nào”, ông Bằng nói.
“Xăng dầu giảm thế ăn thua gì. Để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy ngành vận tải, toàn ngành phải có các biện pháp khác, chẳng hạn như giảm thuế. Thực ra lúc này kinh doanh muốn có lãi, lời thì khó. Chỉ cần ổn định doanh nghiệp, giữ được người, phương tiện, trả được lãi suất ngân hàng đã may mắn lắm rồi”, ông Học nói.
Trước đó, ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, cho hay, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau khủng hoảng vì dịch COVID-19.
“Dịch COVID-19 bùng nổ, kéo dài hơn 2 năm khiến doanh nghiệp rơi vào thua lỗ nặng nề. Từ khi khống chế được dịch, xe bắt đầu có khách thì giá xăng dầu tăng chóng mặt. Chi phí đầu vào bị đội lên, trong khi giá vé vẫn thế, nhà xe đã lỗ càng tiếp tục lỗ nặng hơn”, ông Văn nói.
Giảm thuế càng sớm càng tốt
Ông Đỗ Quốc Huy cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế để kìm giá xăng dầu là việc cần làm ngay, không nên chậm trễ. “Xăng dầu tăng, không chỉ giá cước tăng mà tất cả các mặt hàng khác đều tăng theo. Nếu cứ tiếp tục, doanh nghiệp vận tải khó duy trì kinh doanh, người dân cũng khó ổn định cuộc sống”, ông Huy nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí tính toán phương án trợ giá mới mong kìm giữ giá xăng dầu. “Cái chính là phải nhanh chóng thúc đẩy giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là không phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay”, ông Bằng nói.
Dười góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), cho hay, hiện nay, mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao như hiện nay là vấn đề bất thường, cần có giải pháp cấp bách để ngăn chặn đà tăng giá này.
Theo ông Công, đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh.
https://vtc.vn/xang-dau-giam-nho-giot-doanh-nghiep-van-tai-noi-chang-bo-ben-gi-ar685598.html