Trạm BOT xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, dự kiến thu phí từ 1/4, sau gần 4 năm ngừng, để hoàn vốn đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Nội dung được nêu trong thông báo kết luận của Ban thường vụ Thành uỷ TP HCM ngày 18/3 liên quan giá thu phí xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Sau một năm thu, nhà đầu tư cần rà soát, cập nhật số liệu xe thực tế để so sánh phương án giá được duyệt và đề xuất điều chỉnh mức thu phù hợp. Việc này nhằm hài hòa lợi ích nhà nước, người sử dụng cũng như của nhà đầu tư và tính khả thi để hoàn vốn dự án.
Xa lộ Hà Nội tại nút giao thông ĐH Quốc gia TP HCM (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trước đó trạm BOT xa lộ Hà Nội được đề xuất thu phí trở lại từ đầu tháng 11 năm ngoái với giá vé tối đa: ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 30.000 đồng mỗi lượt; ôtô từ 12 đến 30 chỗ và xe tải từ 2 đến 4 tấn 45.000 đồng; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn 60.000 đồng; xe tải từ 10 đến 18 tấn, xe container loại 20 feet 120.000 đồng; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet 170.000 đồng. Xe mua vé tháng và quý được giảm 10% giá vé. Khung giá này sau đó được điều chỉnh giảm xuống nhưng chưa thực hiện.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7 km, 12-16 làn xe. Trong đó đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Năm 2009, dự án được UBND TP HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.516 tỷ đồng và năm 2016 điều chỉnh nâng lên hơn 4.900 tỷ đồng. Hiện, công trình hoàn thành toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia, dài hơn 13 km. Đồng thời, dự án hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% đường song hành bên trái. Phần đi qua Bình Dương do vướng mặt bằng nên chưa hoàn thành.
Cuối năm 2017, UBND thành phố ngưng thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội sau 3 năm thu hoàn vốn đủ cho dự án xây cầu Rạch Chiếc (đầu tư 1.000 tỷ đồng). Theo hợp đồng cũ, nhà đầu tư sẽ chuyển sang thu phí dự án mở rộng xa lộ ngay nhưng TP HCM cần xem xét, đánh giá lại.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII, nhà đầu tư) cho biết tổng chi phí đầu tư dự án hết năm 2018 là 3.016 tỷ đồng. Hai năm 2019 và 2020, phần lãi phát sinh và bổ sung một số hạng mục cần thanh toán tiếp đã lên 4.085 tỷ đồng.
Gia Minh
Cao tốc chưa lắp thu phí không dừng, lái xe đòi trả tiền qua thẻ Etag |
Thủ tướng: Dừng hoạt động các trạm BOT không thu phí tự động từ 31/12 |