- Khởi tố 5 phó giám đốc, đăng kiểm viên trung tâm đăng kiểm ở Bắc Giang
- Vì sao không biết chữ vẫn có thể làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM?
Xã hội hóa đăng kiểm đã mang lại nhiều thuận tiện cho xã hội và người dân, đáp ứng nhu cầu của lượng phương tiện gia tăng mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, việc này đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu hậu kiểm từ cơ quan chức năng đã và bộc lộ những bất cập...
Góc khuất đã có từ lâu
Cụm từ “bôi trơn đăng kiểm” hay “bỏ quên tiền” trên xe khi đưa phương tiện đi “khám” định kỳ đã trở thành những thuật ngữ quen thuộc với chủ phương tiện. Tùy tình trạng của phương tiện, lỗi nặng thì phải bỏ ra 400.000 - 500.000 đồng, lỗi nhẹ thì 100.000 - 200.000 đồng để được các đăng kiểm viên bỏ qua, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với tem kiểm định đã trở thành… luật bất thành văn với các chủ phương tiện. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp, 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, hoạt động kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định về việc các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm (sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời) đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Thậm chí một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị tại những khu vực đô thị, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó mật độ xây dựng các đơn vị đăng kiểm tại các khu vực đô thị rất cao, trong khi tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới thì không có, hoặc rất ít khiến người dân, doanh nghiệp phải đi xa, tốn thời gian, chi phí.
Qua quá trình kiểm tra, giám sát, Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận có đơn vị đăng kiểm khi hoạt động không có hiệu quả, doanh nghiệp, chủ đầu tư tự quyết định ngừng hoạt động đã gây khó khăn cho lái xe, chủ xe tìm lại hồ sơ cũ, người lao động không được bố trí việc làm và cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc theo dõi, quản lý các hồ sơ phương tiện. Có trường hợp một chủ đầu tư hoặc một doanh nghiệp đứng ra thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, sau đó thực hiện luân chuyển nhân sự thường xuyên.
Có trường hợp đăng kiểm viên của đơn vị này lại tham gia đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm khác với vai trò chủ đầu tư. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát các điều kiện hoạt động, không rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Thậm chí, có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra.
Mới đây, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 3-1, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, ông Hồ Hữu Tài - Giám đốc tại Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP.HCM) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học hết lớp 3. Theo tìm hiểu, ông Hồ Hữu Tài được Trung tâm đăng kiểm 50-17D thuê làm Giám đốc, không phải đăng kiểm viên, không phải là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của trung tâm và ký Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện thực hiện kiểm định tại trung tâm này.
Một điều đáng lo ngại là đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân nên chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. “Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn nhiều hạn chế” - Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định.
Cần chấn chỉnh những sai phạm
Để hoàn thiện đồng bộ, quy trình, quy chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẽ đánh giá, tổng kết, nghiên cứu để báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; bổ sung, sửa đổi các thông tư như: Thông tư số 18/2019/TT-BGTVT ngày 20-5-2019 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ tổ chức rà soát, đánh giá mô hình tổ chức của mình và các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cả nước, đặc biệt là công tác xã hội hóa các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; nghiên cứu xây dựng đề án tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện hoạt động đăng kiểm theo hướng cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm.
Đáng nói, không phải đến thời điểm hiện tại, khi nhiều sai phạm trong hệ thống đăng kiểm bị Công an TP Hồ Chí Minh phanh phui mà trong thời gian qua, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm trên phạm vi cả nước trong công tác đăng kiểm.
Trong hầu hết các đợt thanh tra, kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải đều phát hiện những vi phạm liên quan đến việc đăng kiểm viên lợi dụng “góc khuất” để nhận tiền của các chủ xe, làm sai lệch kết quả kiểm định và đã áp dụng hình thức xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ có thời hạn cả trung tâm đăng kiểm để xảy ra nhiều sai sót. Bộ Giao thông vận tải đã từng có văn bản chấn chỉnh công tác đăng kiểm, đồng thời đề nghị chủ phương tiện mỗi lần đi “khám xe” không được “bỏ quên tiền” trên phương tiện để hạn chế tình trạng vòi vĩnh, nhận hối lộ của các đăng kiểm viên.
Theo quy định tại Nghị định số 139, những tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực theo quy định tại nghị định này và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông vận tải ban hành, thì được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Quy định thông thoáng trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực dịch vụ vốn xưa nay chỉ do các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp.
Chỉ tính riêng năm 2019 (năm bắt đầu xóa bỏ quy hoạch) đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3 - 4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019. Do có thêm sự cạnh tranh, nên phần lớn đơn vị đăng kiểm đã phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ hiện đại; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ hướng đến khách hàng.