Nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra nguồn gốc COVID-19 dự kiến sẽ hủy bỏ báo cáo tạm thời về cuộc điều tra gần đây của họ ở Trung Quốc, theo WSJ.
Quyết định được xem xét trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến cuộc điều tra và lời kêu gọi từ một nhóm nhà khoa học quốc tế về một cuộc điều tra mới, theo The Wall Street Journal.
Theo SCMP, tại Geneva, phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic, cho biết qua email: “Dự kiến sẽ có báo cáo đầy đủ trong những tuần tới”.
Nhóm nghiên cứu đến Trung Quốc vào tháng 1 và dành 4 tuần để tìm hiểu nguồn gốc của dịch bệnh. (Ảnh: AP) |
Chưa có thêm thông tin nào về lý do WHO chậm trễ trong việc công bố kết quả điều tra chi tiết sau khi tới thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi phát hiện ca bệnh COVID-19 ở người đầu tiên vào cuối năm 2019.
Trước đó, ông Dominic Dwyer, một trong những điều tra viên của nhóm cho biết Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca COVID-19 ban đầu cho nhóm điều tra, và điều này có khả năng làm phức tạp hóa nỗ lực tìm hiểu cách bùng phát dịch bệnh.
Xung quanh đó còn là sự chậm trễ, lo ngại về việc tiếp cận dữ liệu và tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington. Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát dịch bệnh ban đầu và chỉ trích cách thức cuộc điều tra diễn ra, theo đó các chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành điều tra giai đoạn đầu.
Nhóm nghiên cứu đến Trung Quốc vào tháng 1 và dành 4 tuần để tìm hiểu nguồn gốc của dịch bệnh, nhưng chỉ giới hạn trong các chuyến thăm do chủ nhà Trung Quốc tổ chức và không được tiếp xúc với các thành viên trong cộng đồng, do hạn chế về y tế. Hai tuần đầu tiên được dành cho việc cách ly.
Trong thư ngỏ do The Wall Street Journal đăng tải, một nhóm gồm hơn 20 nhà khoa học ký tên kêu gọi một cuộc điều tra mới để xem xét tất cả các khả năng về nguồn gốc dịch bệnh. Họ nói rằng một nửa trong số đội điều tra chung của WHO là công dân Trung Quốc, có thể khiến khả năng độc lập về khoa học của nhóm bị hạn chế.
Tháng trước, nhóm điều tra WHO bác bỏ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm và có thể đã lây sang người thông qua vật chủ là động vật, hoặc các sản phẩm động vật hoang dã đông lạnh. Nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó lại khẳng định cơ quan chưa loại trừ bất kỳ giả thuyết nào.
WHO bị chỉ trích đáng kể từ khi đại dịch bùng phát rằng họ quá coi trọng Trung Quốc.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: South China Morning Post)
Gần 115 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO thất vọng vì số ca mới tăng trở lại |
Sáng kiến "công bằng vaccine" Covid-19 nhiều trắc trở của WHO |
WHO chỉ trích nước giàu tích trữ vaccine Covid-19 |