Vụ VN Pharma: ‘Không khởi tố hình sự những người liên quan ở Bộ Y tế là chưa hợp lý’

Những khuất tất trong vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc chữa bệnh và những người ở Bộ Y tế có liên quan đến vụ án này đang được Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng khác tiến hành điều tra làm rõ. Nhưng có một thực tế cho thấy việc bỏ lọt tội những người ở Bộ Y tế trong vụ án này là một sai sót lớn, không phù hợp với tính chất của vụ án.

Tinh thần là xử nghiêm các vụ như VN Pharma
Khi người của Bộ Y tế phát ngôn về vụ VN Pharma \'không ai học dược\'!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên báo Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như Tòa án nhân dân TP.HCM trong quá trình xét xử vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm buôn lậu thuốc chữa bệnh” mà không hề nhắc đến chuyện Bộ Y tế từng rút sổ đăng ký 7 loại thuốc kháng sinh do công ty này nhập lậu và tung ra thị trường hồi năm 2014 là không hợp lý.

Theo luật sư Hậu, trong 7 loại thuốc này đều được đăng ký sản xuất tại Công ty Helix (Canada) - cơ sở được xác định là không có thật. Đây là một chứng cứ quan trọng có liên quan trong việc xác định tội danh của các bị cáo, và việc các cơ quan tiến hành tố tụng không đưa vấn đề này vào trong vụ án là chưa hợp lý. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra xem xét có hay không hành vi vi phạm đối với việc nhập khẩu 7 loại thuốc nói trên, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ án.

Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) nói rằng, sở dĩ không khởi tố những người có liên quan ở Cục Quản lý dược ( Bộ Y tế) trong vụ cấp phép nhập khẩu thuốc H- Capita không có nguồn gốc là do thuốc này chưa đưa ra ngoài thị trường và Cục Quản lý dược hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Điều này có phải là đã bỏ lọt tội phạm?

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, được giao nhiệm vụ “gác cổng” trong việc nhập khẩu thuốc điều trị, việc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để cho VN Pharma nhập khẩu thuốc không xác định nguồn gốc thì rõ ràng Cục Quản lý dược phải có trách nhiệm.

Điều đáng nói ở đây là thuốc chữa bệnh nằm trong danh mục quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên việc cho phép nhập khẩu thuốc phải được quan tâm hơn hết.

Chính vì vậy, việc Cơ quan an ninh điều tra cho rằng Cục Quản lý dược đã nỗ lực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc giải quyết vụ án, để từ đó không truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan theo tôi là chưa hợp lý. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc.

Là Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về những sai phạm của Cục Quản lý dược trong vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh của VN Pharma?

Qua sự việc trên có thể thấy được nhiều sơ hở, thiếu sót của Cục Quản lý dược còn tồn tại trong việc thẩm định, cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký và cấp phép lưu hành thuốc, đặc biệt là việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đối với công ty nước ngoài kinh doanh dược tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc quản lý, cấp phép của Nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm còn mang nặng tính hồ sơ, hình thức do đó cần phải được chấn chỉnh.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu những người ra vành móng ngựa trong vụ VN Pharma buôn lậu thuốc chữa bệnh mà thiếu vắng những người ở Bộ Y tế là chưa hợp lý

Thuốc chữa bệnh có liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người. Việc để xảy ra những sai sót như trên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tham gia kỹ và cẩn trọng trong công tác điều tra, xác minh tội phạm, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải nhanh chóng xử lý đúng người, đúng tội, răn đe những đối tượng tội phạm này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vụ án này đã bỏ lọt tội, nhất là bỏ lọt tội những người ở Bộ Y tế như ông Thứ trưởng Trương Quốc Cường hay Cục phó Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt. Đứng ở góc độ luật sư, ông nhìn nhận về điều này như thế nào?

Theo tôi đây là một vụ án thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, do đó còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ. Thứ nhất, đó là trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép nhập khẩu lô thuốc. Thứ hai là khoản tiền huê hồng hơn 7,5 tỉ đồng mà VN Pharma đã chi. Thứ ba, đó là trách nhiệm của Cục Quản lý dược và các bên liên quan đối với 7 loại thuốc do VN Pharma nhập khẩu chưa rõ nguồn gốc. Cuối cùng là vấn đề định tội danh của bị cáo Hùng và các đồng phạm là buôn lậu hay phải là buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Đối với một vụ án được xét xử mà gây ra nhiều tranh cãi về tội danh như vụ án trên thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần xem xét đánh giá về bản chất, hành vi của các bị cáo. Nếu có căn cứ kháng nghị, thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên tiến hành kháng nghị, để Tòa phúc thẩm có thể xem xét, đánh giá lại vụ án một cách toàn diện hơn, từ đó đưa ra bản án đúng người, đúng tội.

Vừa qua đã có rất nhiều tranh cãi dữ dội xung quanh câu chuyện H-capita 500mg Caplet là thuốc thật hay thuốc giả. Không ít người cho rằng thuốc giả và cũng không ít người cho rằng thuốc thật. Là Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, theo ông những quy định của pháp luật hiện nay thì H-Capita 500mg Caplet được xác định là thuốc thật hay giả?

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Điểm c Khoản 8 Điều 3, thuốc giả được xác định dựa trên tiêu chí “Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

Theo đó, để chứng minh H-Capita là thuốc giả nếu xác định được chính xác hàm lượng dược chất đã đăng ký, so sánh giữa hàm lượng dược chất thực tế với hàm lượng đã được đăng ký, trong trường hợp không đúng hàm lượng đã đăng ký thì có thể khẳng định H-Capita là hàng giả.

Xét về mặt hình thức, theo kết luận điều tra, Công ty VN Pharma đã không trung thực khi đưa ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc, cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói. Dựa vào điều này có thể xác định H-Capita là hàng giả căn cứ vào Điểm e Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”.

Xin cám ơn luật sư về cuộc trò chuyện này!

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/vu-vn-pharama-khong-khoi-to-hinh-su-nhung-nguoi-lien-quan-o-bo-y-te-la-chua-hop-ly-71345.html

/ Hồ Quang/motthegioi.vn