- Vụ thông thầu tại Đồng Nai: Bất ngờ Công ty Bất động sản AIC đòi gỡ bỏ niêm phong hơn 4.000m2 đất
- Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khai nhận hối lộ để hỗ trợ người nghèo(!)
- Xét xử cựu Bí thư, Chủ tịch Đồng Nai trong vụ án AIC
Số tài sản gồm 107 tỷ đồng Công ty AIC gửi ở ngân hàng BIDV và 4.065m2 tại Hà Nội hiện chưa rõ chủ sở hữu. Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ, đồng thời tiếp tục kê biên nhiều nhà đất của Nguyễn Thị Thanh Nhàn để đảm bảo thi hành án.
Tiếp tục kê biên hàng loạt căn hộ, biệt thự...
Chiều 28-12, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tiến hành đối đáp trong phiên tòa xét xử vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại 152 tỷ đồng tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, cựu thẩm phán Trương Việt Toàn (đại diện cho Công ty AIC), khẳng định doanh nghiệp này là bị đơn dân sự, sẽ bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án cho các bị cáo. Nếu cần, AIC sẽ đòi các cá nhân hoàn lại sau.
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. |
Ông Toàn nói thêm, số tiền 107 tỷ đồng AIC gửi tại ngân hàng BIDV sẽ đảm bảo việc này. Tuy nhiên, nguyên đơn dân sự phải là Bệnh viện Đồng Nai, không phải UBND tỉnh như tòa án đang xác định bởi Công ty AIC ký hợp đồng với bệnh viện.
Người liên quan là Công ty Bất động sản AIC (từng là Công ty con của AIC) khẳng định, 4.065m2 đất ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) đang bị kê biên không còn là tài sản của Công ty AIC hoặc Chủ tịch doanh nghiệp này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bỏ trốn, chịu xét xử vắng mặt).
Đối đáp lại, kiểm sát viên cho hay cơ quan điều tra đã kê biên 5 loại tài sản. Căn cứ diễn biến mới tại tòa, phía công tố đề nghị chỉ tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án với 6 căn chung cư tại số 83 Lý Thường Kiệt; một biệt thự rộng452 m2 tại Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), đều đứng tên bị cáo Nhàn.
Các tài sản khác cần tiếp tục kê biên để cơ quan điều tra xác minh lại chủ sở hữu hữu gồm 107 tỷ đã phong tỏa tại BIDV; biệt thự 357 tại Cửa Nam, do bị cáo Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên; 2 thửa đất rộng 4.065m2 tại Xuân Đỉnh (Hà Nội).
Với 2 thửa đất này, Công ty Bất động sản AIC trình bày đã chuyển cho đối tượng khác nhưng điều tra chưa rõ. Do vậy, Viện kiểm sát cho rằng cần chuyển lại phía điều tra để xác minh chủ sở hữu.
Về trách nhiệm dân sự, phía công tố phản bác quan điểm của đại diện Công ty AIC khi nhận bồi thường. Lý do, đây là vụ án hình sự nên trách nhiệm bồi thường thuộc những người gây thiệt hại gồm các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC và Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà, cùng là Phó tổng Giám đốc AIC.
“Bị đơn dân sự là Công ty AIC nói bồi thường không có căn cứ” vì trong số 107 tỷ gửi tại BIDV có 102 tỷ thuộc cơ quan khác, AIC không thể nhận bồi thường mà không có tài sản đảm bảo, theo Viện kiểm sát.
Cựu Chủ tịch Đồng Nai được thay đổi đề nghị mức án
Với phần tránh nhiệm hình sự, Kiểm sát viên cho hay bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động khai báo, phối hợp với điều tra và tại tòa cũng thành khẩn khai báo. Do vậy, Viện kiểm sát thay đổi quan điểm đề nghị án với bị cáo này, trước là 9 - 10 năm tù, giờ giảm xuống 8 - 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai và các bị cáo liên quan tại phiên tòa. |
Trong phần tranh luận, các luật sư cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với các bị cáo vắng mặt, bỏ trốn. Đối đáp lại, Kiểm sát viên dẫn nhiều quy định của pháp luật cho thấy, việc đưa các bị cáo bỏ trốn ra xét xử là đúng pháp luật.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm. Bị cáo Trần Mạnh Hà và các bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án nên cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra mà vẫn phải truy tố, xét xử vắng mặt.
Trong phần tranh luận, các luật sư của 8 bị cáo bỏ trốn đề nghị ra quyết định tạm đình chỉ, gỡ bỏ lệnh truy nã đối với các bị cáo. Kiểm sát viên bác quan điểm này, cho hay cả 8 bị cáo người không có mặt dù cơ quan tố tụng thông báo tới thân nhân và đăng tin trên thông tin đại chúng.
Đến nay, 8 người này chưa bị bắt hoặc đầu thú nên không thể ra quyết định đình nã. Việc họ trốn trước hay sau thời gian khởi tố vụ án đều thuộc trường hợp bỏ trốn vì luật không quy định thời gian bỏ trốn. “Nói các bị cáo không thuộc trường hợp bỏ trốn là không có căn cứ”, phía công tố nêu quan điểm.
Tại tòa, luật sư của Bồ Thị Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai đề nghị đổi tội danh cho người này từ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kiểm sát viên không đồng ý, cho rằng bị cáo Thu khi phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm sai vì “sợ Bí thư phật ý” rồi thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Bị cáo còn được nhận lợi ích vật chất, mỗi lần 10 - 15 triệu đồng. Thu do đó ký tờ trình để bị cáo Đinh Quốc Thái phê duyệt lại dự án, nâng tổng mức vốn đầu tư.
Tương tự, đối với quan điểm của luật sư đề nghị chuyển tội danh từ tội "Nhận hối lộ" sang tội danh khác đối với bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai) và quan điểm của luật sư cho rằng không đủ yếu tố xác định Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) không phạm tội "Nhận hối lộ" cũng bị Viện kiểm sát bác bỏ vì không có căn cứ.
Đối với quan điểm xin xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng hành vi phạm tội của những bị cáo giữ vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án để giảm nhẹ hình phạt của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định về cơ bản đã được xem xét, cá thể hóa và đề nghị mức án phù hợp nên không chấp nhận.