Vụ nổ siêu tân tinh siêu sáng có tên DES16C2nm là vụ nổ sao xa nhất mà các nhà khoa học từng quan sát trong vũ trụ.
Việc phát hiện vụ nổ DES16C2nm có ý nghĩa lớn đối với các nhà thiên văn. Ảnh: Daily Galaxy. |
Các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu thiên văn Dark Energy Survey (DES) công bố những hình ảnh về vụ nổ siêu tân tinh siêu sáng có tên DES16C2nm, cách Trái Đất 10,5 tỷ năm ánh sáng, Space hôm 21/2 đưa tin. Đây là vụ nổ sao xa nhất mà các nhà khoa học quan sát ngoài không gian.
Các nhà thiên văn lần đầu phát hiện những vụ nổ siêu tân tinh siêu sáng khoảng một thập kỷ trước. Vụ nổ siêu tân tinh siêu sáng xuất hiện thường do một ngôi sao đặc biệt lớn sụp đổ khi bước vào giai đoạn cuối đời.
Vụ nổ Big Bang, vụ nổ được cho là khởi nguồn của vũ trụ, xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm trước. Điều này nghĩa là ánh sáng từ vụ nổ DES16C2nm đã lan tỏa trong không gian suốt khoảng 3/4 thời gian vũ trụ tồn tại.
Vùng tối trong vũ trụ (trên) xuất hiện ánh sáng do vụ nổ DES16C2nm tạo ra (dưới). Ảnh: Space. |
Các nhà khoa học tại DES lần đầu phát hiện vụ nổ DES16C2nm vào tháng 8/2016. Khoảng hai tháng sau, các nhà thiên văn dùng kính viễn vọng Very Large ở Chile và kính viễn vọng Magellan thuộc Đài quan sát Keck, Hawaii, xác nhận độ sáng và khoảng cách của vụ nổ.
"Thật tuyệt vời khi được là một phần trong cuộc nghiên cứu giúp khám phá ra vụ nổ siêu tân tinh cổ xưa nhất từng ghi nhận. DES16C2nm rất xa, rất sáng và rất hiếm", Mathew Smith, chuyên gia tại Đại học Southampton, tác giả cuộc nghiên cứu chia sẻ.
Việc quan sát DES16C2nm có giá trị rất lớn. "Tia cực tím từ vụ nổ siêu tân tinh siêu sáng cho chúng tôi biết lượng kim loại sinh ra và nhiệt độ của vụ nổ. Cả hai đều là những yếu tố then chốt để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ trong vũ trụ này", Smith bổ sung.
Các nhà khoa học tại DES sẽ tiếp tục tìm kiếm và nghiên cứu những hiện tượng xa hơn trong không gian, theo đồng tác giả cuộc nghiên cứu Mark Sullivan. Do đó, có thể vụ nổ DES16C2nm sẽ không giữ kỷ lục quá lâu.
Đêm trăng xanh, trăng máu và siêu trăng hiếm gặp trên thế giới Đêm 31/1 vừa qua, người dân khắp thế giới có dịp chứng kiến hiện tượng thiên văn hội tụ "3 trong 1" lần đầu tiên ... |
Quan sát nguyệt thực toàn phần, siêu trăng và trăng xanh Ngày 31/1, bữa tiệc thiên văn kỳ thú sẽ diễn ra khi ba hiện tượng trăng xanh, siêu trăng và nguyệt thực toàn phần cùng ... |