Không ít bệnh nhân đang phải đối mặt với nguy hiểm vì ngộ độc bởi độc tố có trong pate Minh Chay . Việt Nam chưa có kinh nghiệm điều trị trước đó, thuốc giải độc hiếm và đắt đỏ, nỗi lo công tác điều trị sẽ gặp khó nếu gặp phải số lượng lớn bệnh nhân. Trong khi đó, nếu kiểm soát tốt khâu an toàn thực phẩm, áp lực trong điều trị sẽ có thể không xảy ra.
Phải dùng thuốc giải độc “cực hiếm”
Tính đến chiều 1.9, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp từng ăn pate Minh Chay tới khám. Trong số đó có 2 người có dấu hiệu nặng. Các trường hợp còn lại có triệu chứng nhẹ hơn như sụp mí mắt, mệt mỏi... Những người này được tiếp tục theo dõi, không có nguy cơ diễn biến nặng. Trước đó, ngày 18.8, cơ sở y tế này tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Đây là cặp vợ chồng lớn tuổi, từng sử dụng pate Minh Chay, tiên lượng sức khỏe của 2 bệnh nhân này khá nặng. BV Bạch Mai đã phải sử dụng 2 lọ thuốc, mỗi lọ giá 8.000 USD từ Thái Lan chuyển về để điều trị cho 2 trường hợp ngộ độc nặng sau khi ăn pate Minh Chay.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc nặng sau khi ăn pate nhãn hiệu Minh Chay bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, bệnh viện đã dùng thuốc giải độc chuyển về từ Thái Lan.
“Tình trạng ngộ độc thực phẩm không xảy ra thường xuyên và thuốc giải độc cũng rất hiếm. Ở Việt Nam chưa có thuốc giải độc tố botulinum. Thuốc có tên Botulism antitoxin heptavalent (BAT) có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra có giá là 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng) do Canada sản xuất, hạn sử dụng 8 năm”.
Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị. Đây là độc tố thần kinh thường có trong đồ ăn được đóng trong gói, hộp, túi, lọ kín với điều kiện không đảm bảo độ pH và độ mặn. Bệnh lý này ít khi xảy ra nhưng đã xảy ra thì thường bệnh cảnh rất nặng, cần phải có thuốc đặc hiệu. “Thuốc BAT nằm trong nhóm thuốc hiếm được gọi là “thuốc mồ côi”. Các công ty sản xuất thuốc giải độc này không có lãi, không muốn kinh doanh, chỉ số ít công ty sản xuất khi có chỉ thị của chính phủ, của nhà nước”
Để nhập được 2 lọ thuốc quý, suốt nhiều ngày trước đó, bệnh viện được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam... Hai bệnh nhân nhập viện ngày 18.8 trong tình trạng nguy kịch, đến chiều ngày 29.8, bệnh viện đã nhận được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium Botulinum. Toàn bộ chi phí của thuốc này do WHO tài trợ.
“Thái Lan có không quá 10 lọ và họ đã chuyển cho chúng ta 2 lọ qua đường hàng không (máy bay chở hàng) trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 rất khó khăn về mặt thủ tục. Khi về tới tay các bác sĩ, thùng thuốc rất to, đựng 2 lọ thuốc nhỏ. Thùng thuốc có ngăn bảo quản lạnh theo quy định giống như bảo quản vắc-xin hay các sinh phẩm y tế; có cách nhiệt, có nhiệt kế bên trong để kiểm soát, theo dõi nhiệt độ. Đến nay, thùng thuốc vẫn mát lạnh dù được nhập về từ tuần trước. Bệnh nhân được dùng thuốc ngay sau đó và đang có tiến triển tốt” - bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Chia sẻ thêm về việc cấp cứu bệnh nhân ngộ độc, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng thuốc BAT được chế phẩm từ huyết thanh ngựa (tiêm giải độc tố vào ngựa sau đó lấy huyết thanh ra để bào chế). Thuốc cũng có những tác dụng phụ. Liều dùng khác nhau phụ thuộc đối tượng (như người lớn/trẻ em (từ 1-17 tuổi) hay trẻ dưới 1 tuổi). Về hiệu quả của thuốc, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc giúp giảm thời gian nằm viện, điều trị, giảm tỉ lệ tử vong, giảm chi phí.
Ngành an toàn thực phẩm đã bị động
Trong khi đó, trong vụ ngộ độc pate Minh Chay này, ngành an toàn thực phẩm khá “bị động”, vào cuộc sau khi có sự cảnh báo của các đơn vị điều trị. 15h ngày 19.8, cơ quan này nhận được điện thoại của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến trung tâm với chẩn đoán ban đầu “theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum”, có tiền sử sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay, lần sử dụng cuối là cuối tháng 7.2020.
Đến lúc này, Cục ATTP mới có công văn hỏa tốc đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin. Ngày 20.8, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới tại Đông Anh, Hà Nội và ghi nhận: Đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 3.1.2020. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra công ty không duy trì điều kiện vệ sinh: Vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước...
Đoàn kiểm tra đã giao Phòng y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh, đồng thời đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Cũng trong thời gian này, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nhận mẫu bệnh phẩm (phân bệnh nhân), mẫu pate dùng dở dang của bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 25.8, Viện thông báo kết quả ban đầu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và hộp pate dùng dở dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng không điển hình, viện đề nghị thêm thời gian nuôi cấy để có kết quả chính xác.
17h ngày 28.8, cục nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm Pate Minh Chay, đồng thời vào lúc 18h cùng ngày Cục ATTP cũng nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng phát hiện vi khuẩn này.
Cuộc họp gấp ngay trong đêm với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội và Cục An toàn thực phẩm đã diễn ra, đại diện các đơn vị đã thống nhất khẳng định sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc cho người bệnh. Lúc này, các thông báo thu hồi sản phẩm, khuyến cáo người tiêu dùng và các văn bản đề nghị xử lý vụ việc tiếp tục được đưa ra liên tiếp sau đó.
Một cơ sở có cung cấp sản phẩm ở nhiều tỉnh thành, số lượng sản phẩm thực phẩm bán ra không phải là ít, nhưng dường như đã có sự “lỏng lẻo” trong quản lý và hậu kiểm. Theo Luật an toàn thực phẩm và nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì hiện nay điều kiện để làm một sản phẩm thực phẩm buộc cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phải công bố hợp quy sản phẩm (nghĩa là công bố chất lượng sản phẩm, khi làm công bố hợp quy, nhà sản xuất phải lấy mẫu để kiểm nghiệm).
Muốn vậy, cơ sở sản xuất phải làm hồ sơ nộp Cục An toàn thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất phải chứng minh nguồn gốc nguyên vật liệu, pháp nhân doanh nghiệp, khu sản xuất chế biến, nhân viên đã tập huấn an toàn thực phẩm...
Sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra thực tế. Nếu đạt điều kiện, Cục An toàn thực phẩm sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm, còn việc công bố hợp quy sản phẩm sẽ công bố định kỳ 6 tháng 1 lần.
Thông thường, đoàn kiểm tra kết hợp giữa UBND và Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng có thể lấy mẫu để kiểm tra. Còn các lỗi phát sinh trong khâu sản xuất, chế biến thì cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm.
Theo ý kiến của một số luật sư, cơ quan chức năng không thể kiểm tra mẫu của từng lô hàng, vì vậy, hoàn toàn có thể bỏ sót, bỏ lọt các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường.
Pate Minh Chay: Cần điều tra ngay việc cố ý hay vô tình đầu độc đồng bào mình |
Bộ Y tế đề nghị công an phối hợp xử lý vụ Pate Minh Chay nhiễm độc |
Đề nghị mua thuốc kháng độc tố trong pate Minh Chay |