Vụ AIC: Thân chủ đang bỏ trốn, Luật sư kháng cáo thay có trái luật?

Về vụ án tại Công ty AIC, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Vậy theo quy định, việc luật sư kháng cáo thay bị cáo đang bỏ trốn có đúng luật?

Được biết, sau gần 1 tháng tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, TAND Thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 16 bị cáo và Công ty AIC.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao.

Theo bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên, có 8 đối tượng đang bỏ trốn, gồm: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) bị tòa tuyên phạt 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm; Nguyễn Thị Sen (cựu giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) bị tuyên 4 năm tù về các tội cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”.

nguyen-thi-thanh-nhan-1241-6794-2204
Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC và các bị cáo trong vụ án thông thầu

Trước khi diễn ra phiên tòa, Bộ Công an đã yêu cầu những người đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa. Song đến ngày xét xử, các đối tượng này vẫn ‘lặn mất tăm’ nên tòa án đã chỉ định các luật sư bào chữa khi xét xử vắng mặt.

Về việc luật sư chỉ định gửi đơn kháng cáo cho các bị cáo đang bỏ trốn, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, kháng cáo hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự theo quy định của pháp luật đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi nhận thấy bản án quyết định chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.

Điều 73 Bộ luật TTHS 2015 quy định, ngoài bị hại, bị cáo thì người đại diện bị can, bị cáo, người bào chữa bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa,... đều có quyền kháng cáo đối với bản án quyết định, bản án trong vụ án hình sự.

Song, người bào chữa chỉ được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Việc các luật sư làm đơn kháng cáo thay cho những đối tượng đang bỏ trốn là không phù hợp.

Bên cạnh đó, theo Điều 331 BLHS 2015, người có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm gồm bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; người bào chữa chỉ có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho người dưới 18 tuổi, người không đủ năng lực nhận thức hành vi mà mình bào chữa…

Với Bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên các bị cáo trong vụ Công ty AIC “thông thầu”, sau khi niêm yết, trong thời hạn luật định, quyền kháng cáo thuộc về các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, luật sư không được làm thay - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo An ninh Thủ đô