"Vòng vây pháp lý" ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Khi Trung Quốc tăng cường nhanh chóng các tàu hải giám và tàu dân quân biển đến các đảo mà nước này tôn tạo trái phép ở Trường Sa. Chính nhờ các đảo nhân tạo này, các tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc có thể hoạt động hàng tháng trời

vong vay phap ly ngan chan tham vong cua trung quoc doc chiem bien dong

Tàu chiến của Mỹ và Anh tham gia diễn tập chung trên Biển Đông

Những khái niệm mập mờ, không có cơ sở pháp lý

Mới đây, tại hội thảo với chủ đề “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất và xa hơn nữa” do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức, nhiều học giả về Biển Đông đã khuyến nghị các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế nên phối hợp cùng nhau tạo thành một “vòng vây pháp lý” chặt chẽ mà Trung Quốc không thể nào né tránh được trên vấn đề Biển Đông. Đề nghị trên được nêu ra bởi để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đưa ra và ép các nước phải thừa nhận nhiều khái niệm mập mờ, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Trước hết, để biện minh cho hành động dùng vũ lực để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1909, 1956, 1974 và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa trong những năm 1946, 1950 (Trung Hoa Dân Quốc) và năm 1988 (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Trung Quốc lập luận rằng nước này có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Họ khẳng định rằng, tổ tiên người Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Theo luật quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm hai yếu tố: Yếu tố vật chất được thể hiện qua việc chiếm hữu thực sự và hòa bình, đồng thời thực thi một cách liên tục chủ quyền trên lãnh thổ đó. Yếu tố tinh thần là quốc gia phải có ý định thực sự chiếm hữu vùng lãnh thổ đó, đồng thời phải thông báo sự chiếm hữu của mình cho các quốc gia khác.

Đúng là người Trung Quốc từ khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng nước này hoàn toàn không có chứng cứ với đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này. Khái niệm “chủ quyền lịch sử” mà nước này đưa ra không được coi là một nguyên tắc có hiệu lực pháp lý trong việc xác định chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Trong khi đó trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu 2 quần đảo này, từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ VII. Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử (có giá trị pháp lý) để chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình theo luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.

Liên quan đến “Đường lưỡi bò” gồm 9 đoạn chiếm khoảng 80% Biển Đông, mà thực chất là xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei, Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố một cách rõ ràng mà luôn mập mờ với các khái niệm “vùng biển lịch sử”, “các vùng nước liền kề”.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, “vùng biển lịch sử” phải đáp ứng ba yếu tố gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Vùng biển trong “Đường lưỡi bò” thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó thì Trung Quốc không thể nào cho là “vùng biển lịch sử” của mình.

Không chấp nhận yêu sách vô lý, hành động mang tính cưỡng ép

Không chỉ ngang ngược trong các tuyên bố, vài năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến dịch từng bước, qua nhiều giai đoạn, nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách nhanh chóng.

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ cuối năm 2013, khi các tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để bồi đắp đảo nhân tạo. Từ năm 2017, Bắc Kinh chuyển sang giai đoạn hai là xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo…

Giai đoạn ba được thực hiện từ cuối năm 2017 bằng việc triển khai nhanh chóng các khí tài quân sự tiên tiến ra các đảo nhân tạo, bao gồm đưa máy bay quân sự ra các bãi Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên bãi Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa những tên lửa hành trình đầu tiên ra Trường Sa, thiết lập các thiết bị phá sóng… Bên cạnh đó là việc tăng thêm các bệ phóng tên lửa đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.

Và nguy hiểm nhất là giai đoạn hiện nay, khi Trung Quốc tăng cường nhanh chóng các tàu hải giám và tàu dân quân biển đến các đảo mà nước này tôn tạo trái phép ở Trường Sa. Chính nhờ các đảo nhân tạo này, các tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc có thể hoạt động hàng tháng trời trên Biển Đông để duy trì cường độ quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo nhận định của ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), đây là sự thực hiện quyền lực cưỡng ép ở mức độ thấp của Trung Quốc vốn chưa đến mức sử dụng vũ lực và điều này là không thể xảy ra trước khi Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ông Greg Poling dẫn chứng: “Nếu chúng ta quay trở lại thời điểm 2012 hay 2013, lúc đó rất hiếm khi thấy bóng dáng tàu Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Nếu có thì chúng chỉ ra khơi một vài ngày để cắm cờ rồi phải trở về đất liền”.

Việc thực hiện quyền lực cưỡng ép này của Trung Quốc còn được thể hiện trong lĩnh vực khai thác dầu khí, mà bằng chứng là hành vi phá rối của Trung Quốc với hãng dầu khí Shell ngoài khơi Malaysia hồi tháng 5-2019 cũng như với hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam những tháng gần đây.

Chính vì thế mà nhiều nước có vai trò, lợi ích ở Biển Đông, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Australia…, đã có hành động phản ứng với việc làm của Trung Quốc. Phát biểu tại Ấn Độ về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, Đô đốc Christophe Prazuck, Tư lệnh Hải quân Pháp cho rằng “luật biển quốc tế” đang bị đe dọa ở Biển Đông và điều đó đã thúc đẩy Pháp “thường xuyên đến Biển Đông”. Ông Christophe Prazuck giải thích: “Tại sao chúng tôi lại đến đó 6, 7 lần trong năm? Đó là vì luật quốc tế về biển bị đe dọa trong khu vực đó của thế giới. Chúng tôi không muốn can dự vào các tình hình khu vực liên quan đến các đảo, nhưng chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục bằng hành động của mình, hậu thuẫn cho quyền tự do hàng hải”.

Chuẩn đô đốc Karl O. Thomas, nguyên Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ cùng từng khẳng định rằng, tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Đông và Mỹ sẽ hiện diện tại khu vực cho tới khi không còn bất kỳ yêu sách vô lý nào nữa. Ông Karl O. Thomas nhấn mạnh: “Các chuyến tuần tra của chúng tôi không chỉ vì lợi ích của Mỹ, mà còn vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực”. Ông kêu gọi các quốc gia khác cử các lực lượng hải quân tới tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông với mục đích duy trì an ninh, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trước xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do hành động đơn phương của Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào. Ông Taro Kono tuyên bố: “Tôi đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.

vong vay phap ly ngan chan tham vong cua trung quoc doc chiem bien dong Mỹ cam kết củng cố liên minh quân sự, hỗ trợ Philippines ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực quân sự, ứng phó với các vấn đề trên ...

vong vay phap ly ngan chan tham vong cua trung quoc doc chiem bien dong Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trường Sa

Mỹ hai lần điều tàu chiến đến gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng ...

/ anninhthudo.vn