Vòng tròn của niềm tin

Người cuối cùng phát biểu trên sân khấu lễ trao giải Oscar ngày hôm qua, là một nhà tài phiệt. 

Hôm nay, trên các mặt báo khắp thế giới, sẽ là những lời ca ngợi dành cho Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho, tác phẩm vừa đoạt giải Oscar cho Phim xuất sắc nhất. Tôi cũng muốn ca ngợi Parasite và Bong Joon-ho: bản thân tôi suốt những năm qua đã không tiếc công thuyết phục bạn bè bỏ thời gian ra mà xem lấy một bộ phim của Bong, dù là The Host, Snowpiercer hay Okja.

Nhưng tôi sẽ dành bài viết này để nói về một người khác. Người có lời cảm ơn khán giả cuối cùng trên sân khấu của Oscar, khi Parasite đoạt giải, là một tài phiệt họ Lee. Đó là Miky Lee, phó chủ tịch tập đoàn CJ, nhà sản xuất của phim.

Sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc, chưa bao giờ là chuyện riêng của những người nghệ sĩ như Bong Joon-ho hay Song Kang-ho. Đó là câu chuyện về một hạ tầng quốc gia dành cho văn hóa-giải trí mà những người Hàn Quốc đã xây dựng suốt 20 năm.

Bà Lee là cháu nội của Lee Byung-chul, nhà sáng lập của Samsung và cháu gọi Lee Kun-hee, chủ tịch đương thời của Samsung bằng chú. Anh em bà lãnh đạo CJ từ khi tập đoàn này tách ra khỏi Samsung. Tức là bà xuất thân trong một gia đình làm công nghiệp, và từ lúc sinh ra chỉ cần làm công nghiệp thôi đã giàu lắm rồi.

Nhưng năm 1995, Miky Lee đã thuyết phục anh trai mình đổ 300 triệu USD cho đạo diễn Steven Spielberg thành lập hãng Dreamworks. CJ lấn sân vào giải trí. Kể từ đó là nỗ lực xây dựng một hạ tầng giải trí quy mô, bao gồm hãng phim, hãng thu âm, kênh truyền hình âm nhạc, và tất nhiên là cả hệ thống rạp chiếu phim rộng khắp Hàn Quốc. Sau này, họ xâm lấn toàn bộ thị trường Đông và Đông Nam Á. Không cần là người yêu điện ảnh, bạn có thể cũng đã mua vé và bỏng ngô của nhà họ Lee trong hệ thống rạp CGV vài lần.

Thậm chí chúng ta đang sống trong một thời đại mà những tác phẩm ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam, như Em là bà nội của anh hay Để Hội tính đều do CJ Entertainment tham gia đầu tư sản xuất.

Đạo diễn Bong Joon-ho là một nghệ sĩ lớn. Nhưng ông cũng là đứa con của một nền công nghiệp tỷ đô. CJ đã đầu tư cho ông làm những tác phẩm tốn kém bậc nhất lịch sử điện ảnh Hàn.

Và khi mà các khán giả Việt Nam hỏi nhau rằng bao giờ Việt Nam có thể đứng trên sân khấu của những giải thưởng như Oscar, có tác phẩm vang danh thế giới như Parasite, tôi muốn họ nghĩ về điều này: thế nền công nghiệp văn hóa và giải trí của chúng ta đâu? Nghĩ theo hướng này, câu hỏi "bao giờ" có thể rất dễ trả lời: Không bao giờ.

Những năm tuổi 20, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề báo. Tôi muốn làm nhà văn. Hồi ấy tôi sống theo kiểu "muốn làm nhà văn" thật. Buổi tối, tôi ngồi ăn hai cái chân gà và uống một chai rượu 350ml ở đầu xóm trọ (đỡ phải ăn cơm, tiết kiệm), rồi về và ngồi viết tiểu thuyết đầu tay. Không có wifi, dây mạng thì ngắn, chỉ ròng đến được cửa toilet nhà trọ, tôi cứ ôm cái laptop cũ trước cửa toilet viết đến 3h sáng hàng ngày.

Năm 24 tuổi tôi in tiểu thuyết đầu tay. Năm 25 tuổi thì tiểu thuyết chuyển thể thành phim. Và rất nhanh chóng, chỉ sau vài rắc rối, tôi tạm gác lại ước mơ của mình.

Vấn đề của cái gọi là "nền công nghiệp giải trí Việt Nam" là thế này: bạn không được luật pháp bảo vệ. Sách in ra là có sách lậu hoặc bản ebook miễn phí. Phim làm xong là trên mạng chiếu đầy bản HD (mà dân mình cũng không cần bản HD, nhòe nhoẹt tí mà miễn phí vẫn xem tốt). Nhạc thì may quá, các ca sĩ tìm ra cách thỏa hiệp. Họ ra album làm tên tuổi thôi, vì đằng nào mấy hôm cũng đầy bản mp3 trên mạng. Họ dùng tên tuổi ấy đi chạy show quần quật. Vài năm gần đây các ca sĩ có vẻ chẳng buồn ra album nữa, có tác phẩm mới nào họ quăng thẳng lên mạng cho dân nghe lấy tiếng mà chạy show.

Bạn hẳn vẫn nhớ rằng một trong những lý do mà Nguyễn Chánh Tín lúc sinh thời đưa ra cho sự phá sản của mình, là vì phim Dòng máu anh hùng do ông đổ tiền làm bị sao chép, không bán được. Tác phẩm được đối xử đặc thù và chúng ta có một nền văn hóa đại chúng đặc dị.

Ngày mới bắt đầu viết, tôi cũng như bao tác giả trẻ, nuôi một niềm bi phẫn với các tác giả Việt Nam. Tôi cho rằng họ lười suy nghĩ, tôi lên án các bậc đàn anh trì trệ. Cuộc sống thì ngồn ngộn chất liệu, sao không viết được cái gì ra hồn. Văn học thì quanh quẩn phố thị. Ca khúc thì quanh quẩn tình ái. Điện ảnh thì quanh quẩn với quá khứ của chính nó. Tôi sẽ sửa chữa điều này bằng nhiệt huyết của mình.

Nhưng đến lúc xông ra, tôi mới nhận ra rằng than ôi, làm gì có ai sống bằng tác phẩm. Hay nói nôm na, không ai bán cái tác phẩm mình làm ra lấy tiền mà sống được. Luật pháp cơ bản không bảo vệ quyền sống bằng tác phẩm của người sáng tạo. Thậm chí có giai đoạn tôi tin rằng chưa bao giờ luật pháp có ý định bảo vệ điều đó trong lãnh thổ Việt Nam. Nghệ sĩ có ra tác phẩm, dù là diễn viên, nhà văn, ca sĩ, hầu hết là để lấy tiếng rồi làm việc khác kiếm sống. Tác phẩm thì từ lúc xuất bản đã xác định là "hiến tế" cho Internet rồi.

Năm 2016 tôi gặp Thomas Maier ở New York. Tôi hỏi ông, đại ý, làm sao giữ được nhiệt huyết viết nhiều tác phẩm báo chí lớn như vậy. Ông hiểu tôi hỏi chuyện miếng cơm manh áo, và khuyên rất thành thật: anh cứ viết báo, nhưng chất liệu để viết báo sau này anh có thể đào sâu, rồi anh in thành sách. Ông kể chuyện quyển Master of Sex của mình, cũng là từ một nhân vật báo chí, đã được chuyển thể thành phim đang chiếu rồi. Vì lẽ đó nên ông rất cần cù, ngày nào cũng ngồi vào bàn lúc 9 giờ tối. Hôm nào lười thì con cái sẽ mắng, bắt đi viết.

Tôi nghe xong chỉ biết cười. Lời khuyên chân tình nhưng cái giải pháp "in sách" làm đường mưu sinh thì tôi không học được. Câu chuyện của một tác giả ở Mỹ, in sách ra là có thể sống bằng tác quyền đến bất cứ khi nào sách còn bán được, và nếu là loại bestseller được chuyển thể thì chắc kiếm được hàng trăm nghìn USD bằng tác phẩm, cơ bản không liên quan gì đến cuộc đời tôi. Buổi tối tôi không ngồi vào bàn cũng chẳng sao, vợ tôi sẽ bảo: "May quá, lấy xe máy đưa em đi siêu thị một tí".

Bạn có thể chưa nhận ra: ngay cả các nhà sản xuất, như các hãng phim truyền hình hay chính VnExpress, cũng làm ra các tác phẩm rồi sau đó dùng sự thu hút của mình để bán quảng cáo. Nhà đầu tư không tự bán cái tác phẩm mình đã làm ra được. Sao phải trả tiền để xem, trên mạng đã copy đầy. VFC không giống HBO nên đời tôi cũng không giống Thomas Maier được.

Khoảng cách lớn nhất giữa tôi và Thomas Maier không phải là hai nền văn hóa, hai nền giáo dục mà là hai nền hành pháp.

Có thể hôm nay, trong tư cách một khán giả, bạn vẫn nuôi sự bi phẫn với đám "nghệ sĩ lười" tại Việt Nam. Bạn cho rằng họ quá thiếu não, thiếu tình yêu nghề để sinh ra những tác phẩm lớn. Nhưng sự xuất hiện của tài phiệt Miky Lee trên sân khấu lễ trao giải Oscar, nói rằng thành công một cách hệ thống phải bắt đầu từ một hạ tầng mạnh.

Bạn có thể nói rằng giới ca sĩ vẫn rất giàu. Nhưng họ kiếm được tiền nhờ một cuộc chạy đua xuống đáy: chạy show bằng sức lực chứ không phải bằng sự sáng tạo, vốn cần đầu tư thời gian. Diễn viên cũng không giỏi lên nhờ việc đi đóng quảng cáo thuốc xương khớp được. Họ có cố đầu tư bằng tình yêu nghề, ra một vài tác phẩm hay thì đó cũng là cảm hứng đột biến, không phải là quy luật. Bao giờ họ sống được bằng việc bán tác phẩm, bán đĩa, bán sách, bán lượt download thì sáng tạo mới là quy luật. Ở đây chỉ có một hạ tầng méo mó.

Đây không phải là chuyện của giới nghệ sĩ hay khán giả. Nó là câu chuyện của nền hành pháp. Việc ăn cắp tràn lan khiến những người sáng tạo không bao giờ dám đầu tư vì không biết rằng mình sẽ thu lại được gì, đứa con của mình chắc chắn không được xã hội bảo vệ nên tốt nhất đừng mang nặng đẻ đau quá.

Nói theo ngôn ngữ của phim Parasite, chúng ta bị mắc kẹt trong một vòng tròn của niềm tin ("Belt of Faith" – tên bản nhạc phim).

CJ đã dùng tiền kiếm được từ Hàn Quốc đổ vào xây dựng một hạ tầng tại chính Việt Nam. Bạn tôi có người giờ viết kịch bản điện ảnh sống được, vì CJ tự sản xuất, phân phối và bảo vệ tác phẩm của họ trong một hệ sinh thái khép kín. Vấn đề tác quyền sách, báo cũng đã được đẩy mạnh hơn vài năm gần đây. Nhưng trong tư cách một người dùng mạng, độc giả có thể tự nhận định hiện trạng đang nằm ở đâu.

Cơ bản, luật pháp của chúng ta vẫn chưa tạo đủ niềm tin để một ai đó phất cờ tuyên bố ngày mai tôi sẽ xây dựng hạ tầng cho nền giải trí/văn hóa đại chúng tại Việt Nam. Và nếu không có những Miky Lee, thì lấy đâu ra Bong Joon-ho.

Chuyện cũng còn lâu mới được đếm xỉa đến. Khung pháp lý dành cho hoạt động sáng tạo là một thứ quá xa xỉ, nếu nghĩ đến việc ngay cả ngành nông nghiệp giờ còn ít nhà đầu tư.

Chúng ta cứ yên tâm tán thưởng phim Hàn Quốc. Đó cũng là một lựa chọn không tồi. Nếu bạn chưa xem Parasite, nên tìm xem. Xem bản lậu cũng không sao, chúng ta quen rồi.

Đức Hoàng

vong tron cua niem tin Người đàn bà quyền lực đằng sau thành công vang dội của "Parasite"
vong tron cua niem tin Lễ trao giải Oscar 2020: Chiến thắng lịch sử của "Parasite"
vong tron cua niem tin "Parasite" là phim xuất sắc Oscar 2020
/ vnexpress.net