Kết quả bốc thăm chiều 17.7 đưa thầy trò HLV Park Hang-seo vào một bảng đấu "nói là dễ cũng không phải, nói là khó cũng không đúng". Mục tiêu trước mắt đã rõ nhưng để thực hiện trọn vẹn 100% lại là thử thách thật sự.
Những đối thủ như UAE, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia không mới lạ nên cách đối phó của thầy Park không vấp phải những thử thách kiểu mới toanh dẫn đến việc phải lên kế hoạch lại từ đầu.
Chưa chạm trán trực tiếp với UAE ở cấp độ ĐTQG nhưng dưới thời HLV người Hàn Quốc, đội Olympic Việt Nam đã có dịp cọ sát với Olympic UAE ở ASIAD 2018.
Còn với 3 đại diện từ Đông Nam Á, lần gần nhất tại AFF Cup, Việt Nam là ĐKVĐ. Chúng ta đánh bại Malaysia ở chung kết và hạ nốt Thái Lan ở King's Cup sau đó.
Ảnh: AFF Suzuki Cup. |
Một bảng đấu nằm trong tầm kiểm soát là điều được nhận định với những lá thăm chiều 17.7. Thế nhưng, đây lại là bảng đấu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất với "Những chiến binh Sao Vàng". Tại sao vậy?
Thứ nhất, bảng G tại vòng loại thứ 2 khu vực Châu Á không có những đội lót đường như Guam, Mông Cổ, Nepal, CHDCND Triều Tiên, Campuchia hay Malpes. Do đó, cơ hội để có những trận thắng dễ, không chỉ của Việt Nam mà còn của các đội còn lại gần như không có.
Việt Nam có thành tích tốt tại các giải Châu Á dưới thời HLV Park và đang là ĐKVĐ Đông Nam Á. Thế nhưng, chưa bao giờ đoàn quân áo đỏ được đánh giá vượt trội hoàn toàn so với Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Thái Lan.
Phó Chủ tịch VFF - ông Trần Quốc Tuấn nhận định rằng, tại chiến dịch vòng loại thứ 2 sắp tới, ĐT Việt Nam phải sử dụng chiến thuật "giải quyết từng trận một". Tức là, chúng ta không đủ mạnh và không đủ vượt trội để có thể tự vẽ được đường trước cho mình ở vòng loại này.
Mỗi trận đấu cụ thể sẽ có những kế hoạch chi tiết và gói gọn trong khuôn khổ 90 phút đó. Một đội bóng hùng mạnh sẽ không phải đá kiểu "được trận nào hay trận đấy" như thế.
Ông Quốc Tuấn và HLV Park. Ảnh: QT. |
Chưa hết, các đối thủ của ĐT Việt Nam ở bảng này đều ở mức 50-50 khi được so sánh về sức mạnh. Malaysia là đối thủ của Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2018. Đội U23 Indonesia vừa khiến Quang Hải và các đồng đội hết hồn tại vòng loại U23 Châu Á (phút cuối mới có bàn thắng của Triệu Việt Hưng).
Còn với Thái Lan, trận đấu tại King's Cup chỉ ra, chúng ta chỉ tốt hơn ở mức tận dụng cơ hội và đã có may mắn với những tình huống sút đập cột của Supachai. Chưa kể ở vòng loại này, Thái Lan đã gọi về 10 cầu thủ được ăn tập tại CLB Leicester City, đội từng vô địch Premier League 2016.
Còn với UAE, đội được cho là khách mời của kì "AFF thu nhỏ" lần này, họ đã đi tới bán kết Asian Cup 2019 và chỉ chịu thua Qatar, đội sau đó đã lên ngôi vô địch.
Olympic UAE cũng từng hạ Olympic Việt Nam ở trận tranh hạng 3 ASIAD 2018. Đây là đối thủ mạnh nhất bảng G và được đánh giá nhỉnh hơn chúng ta nhiều mặt.
UAE rất mạnh. Ảnh: The National. |
Thứ hai, đó là thành tích của bóng đá Đông Nam Á ở vòng loại World Cup (Đông Nam Á chưa từng có đội nào và được vòng chung kết).
Trong lịch sử, Thái Lan là đội đầu tiên lọt vào tới vòng loại thứ 3 của World Cup 2018. Khi đó, đoàn quân của HLV Kiatisuk dừng bước với thành tích quá yếu kém (2 điểm sau 10 trận).
Nói vậy để thấy, việc lọt qua vòng loại thứ 2 đã là thử thách rất lớn. Nếu điều thần kì xảy ra, bóng đá Việt Nam sẽ có lần đầu tiên đi đến vòng loại cuối cùng nhưng liệu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh của Thái Lan 2 năm trước hay không là điều không ai dám chắc.
Với thành tích tốt trong gần 2 năm qua với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo đang được kì vọng rất lớn giúp cuốn sách lịch sử sang trang với "Những chiến binh Sao Vàng". Thế nhưng ở lần này, hãy hi vọng cuốn sách đó lật được trang "Vòng loại thứ 3". Còn giấc mơ World Cup, nếu đặt mục tiêu đó vào lúc này là điều hão huyền.
Hãy nuôi dưỡng giấc mơ thêm khoảng 5-6 năm nữa, đó là thời điểm World Cup sẽ có 48 đội và cơ hội cho các đội ở Châu Á sẽ nhiều hơn.
Đội tuyển Việt Nam sẽ mơ nhưng không mơ hão. |