Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ VHTTDL cần chuyển đổi mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để thu hút đầu tư, hoạt động hiệu quả hơn. Một dự án đồ sộ, với vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng, bao năm qua chỉ lèo tèo khách quốc tế tới thăm, thì việc “chuyển mình” là tất yếu.
Đầu năm 2016, tại làng văn hóa các hoạt động biểu diễn của đồng bào các dân tộc diễn ra thường xuyên đã góp phần thu hút khách du lịch từ chỗ chỉ khoảng 200.000 lượt khách/năm, lên 500.000 lượt khách. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Sẽ giảm triệt để bao cấp của Nhà nước
“Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng”, “Siêu làng văn hóa ngàn tỉ phơi sương, “Thánh địa” du lịch hoang tàn”… là những tiêu đề nhiều bài báo từng viết về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và coi Làng như một điển hình của sự lãng phí.
Hai năm trước, Lao Động cũng có loạt bài phản ánh về thực trạng du lịch vắng lặng, hiu hắt của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mà khi đó, trên diễn đàn Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh vẫn coi nơi đây là “niềm tự hào”, là “thánh địa” để phát triển du lịch. Và hai năm sau, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần chuyển đổi mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Làng Văn hóa nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động của Làng và sẽ tiếp tục không hiệu quả. Cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tiến tới giảm triệt để bao cấp của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ VHTTDL khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, báo cáo Thường trực Chính phủ cuối quý I/2018.
Hoạt động không hiệu quả, không tương xứng với số tiền đầu tư, việc thay đổi là tất yếu, vì không thể cứ mãi trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách. Tuy nhiên, khi chia sẻ với Lao Động, ông Lâm Văn Khang - Phó Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - nhiều lần nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi mô hình là tất yếu khách quan, không được nói Làng Văn hóa hoạt động không hiệu quả. Mà phải là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã hoạt động hiệu quả rồi và sẽ chuyển đổi để hoạt động hiệu quả hơn. Tôi khẳng định, cho đến thời điểm này, vai trò của Ban Quản lý mô hình Làng Văn hóa hoạt động rất hiệu quả, phải hiệu quả thì mới làm được những việc như thế”.
Tiềm năng du lịch có đạt hiệu quả tương xứng?
Với những thành quả của một nơi từng được tự hào là “thánh địa du lịch”, theo lời ông Khang thì “trước đây Làng Văn hóa rất ít khách, hoạt động của đồng bào ở Làng Văn hóa chỉ mang tính sự vụ, khi tổ chức sự kiện thì đồng bào các dân tộc mới về, nhưng đến cuối năm 2015 đầu năm 2016, các hoạt động của đồng bào diễn ra thường xuyên hơn. Chính vì thế, năm 2016 đã có bước đột phá, chuyển biến vượt bậc về lượng khách tham quan, từ chỗ chỉ khoảng 200.000 lượt khách/năm, tăng lên 500.000 lượt khách. Nửa triệu lượt khách đối với một địa điểm du lịch không được đầu tư đồng bộ như vậy là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác của doanh nghiệp lữ hành, mặc dù Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một điểm du lịch hấp dẫn và ý nghĩa, có những nét đặc trưng về văn hoá các dân tộc Việt Nam, nhưng để nói về hiệu quả về mặt du lịch thì câu trả lời của nhiều người là “chưa thật sự hiệu quả”. Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty Neworld Travel - thẳng thắn nhìn nhận, nơi đây có ưu điểm là tập trung nhiều nền văn hóa đa dạng, kiến trúc độc đáo khá phù hợp với du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến khám phá và tìm hiểu. “Tiếc rằng, cơ sở vật chất của Làng đang dần xuống cấp, không được tu sửa đều đặn, nhất là chương trình chưa đủ sức hấp dẫn để các công ty lữ hành đưa vào chương trình chào mời du khách”.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, việc kết nối giữa công ty lữ hành và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn khá lỏng lẻo. Có một vài lần tổ chức đoàn khảo sát tại Làng nhằm giới thiệu, quảng bá với doanh nghiệp, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại… tắt ngóm. Vì vậy, cần có chuyển mình và sự chung tay của các cơ quan chính quyền, các cấp chỉ đạo cũng như các đơn vị lữ hành nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm để thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài.
Đại gia vỡ mộng ông trùm, cổ đông ôm hận \'bánh vẽ\'
Hàng loại đại gia công bố kế hoạch đạt lợi nhuận khủng nhưng thực tế đạt được rất thấp, nhiều lần phải điều chỉnh giảm ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)
Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
Vỡ mộng hàng loạt dự án sắt, thép "khủng" ở Hà Tĩnh
Sau gần một năm thu hồi dự án nhà máy liên hợp gang thép công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm, giai đoạn 2 ... |
https://laodong.vn/van-hoa/vo-mong-niem-tu-hao-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-570469.ldo