Như báo Lao Động đã đưa tin vào ngày 8.4, hàng chục người mang theo băng rôn đến trụ sở của Cty Moderrn Tech với nội dung tố cáo các thành viên lãnh đạo công ty này đã lừa gạt nhiều người tham gia đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp do công ty này kêu gọi lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đội ngũ tư vấn chào mời đầu tư tiền ảo ifan đến tận vùng quê. Ảnh: Tư liệu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Modern Tech đăng ký mã số thuế ngày 5.10.2017. Cùng thời điểm đó, dự án iFan cũng bắt đầu triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên. Công ty Cổ phần Modern Tech có địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, đại diện pháp luật là Giám đốc Hồ Xuân Văn.
Trong nhiều tháng tiếp sau đó, Modern Tech đã tổ chức các sự kiện chào mời đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng. Nếu lôi kéo thêm nhà đầu tư mới sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.
Người đứng ra chỉ đạo kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của Ifan.
Ông Tuấn kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số Ifan để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước).
Chính ông Tuấn cũng là người “được” các nhà đầu tư in ảnh lên băng rôn “kêu cứu” và đặt cho biệt hiệu “Tuấn Scam” (lừa đảo). Theo phản ánh của các nhà đầu tư, người này tổ chức các buổi họp mặt, diễn thuyết với tư cách nhà đầu tư cấp trên kêu gọi thêm nhiều cấp dưới để hưởng hoa hồng.
Ngoài ông Tuấn còn có các ông bà Vũ Hữu Lợi, Diệp Khắc Cường, Nguyễn Thu Thuỷ… tham gia với vai trò nhà đầu tư cấp trên kêu gọi mọi người tham gia để lấy phần trăm. Đây có thể xem như “thế hệ F1” của hệ thống đa cấp iFan.
"Tại các buổi ra mắt dự án ifan, luôn có sự tham gia của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Sự kiện lại được tổ chức ở những nơi hoành tráng nên chúng tôi tin tưởng đây là một dự án tốt để đầu tư" - chị Hoàng, một người tham gia đầu tư iFan với số tiền 100 triệu đồng ở TPHCM, cho biết. Sau 4 tháng kêu gọi vốn, ứng dụng này vẫn không hề được phát triển. Lúc này, tôi xác định mình đã mất tiền vào một dự án ma, chị Hoàng cho biết thêm.
Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (bitcoin) có lúc tăng đến 0.8 BTC (theo thị giá gần 200 triệu đồng). Việc nâng giới hạn là chiêu trò để không cho người đầu tư rút. Chúng tôi bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình còn tiền mặt thì không biết sao để thu hồi - anh Tân một nhà đầu tư khác cho hay.
Các mô hình đa cấp và huy động vốn như Modern Tech với các đồng tiền ảo iFan và Pincoin không xa lạ gì với các nhà đầu tư. Trước đó, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, trong đó có thể kể đến vụ sụp đổ của sàn tiền ảo Bitconnect khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay, trong đó có không ít người Việt.
Dù vậy, Modern Tech vẫn biết cách quảng bá trên Facebook và các trang tin lớn, lợi dụng khe hở của các nhà quản lý cũng như lòng tham của chính các nhà đầu tư để gài bẫy. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã quá ngây thơ khi tin vào hình thức kiếm tiền không đổ mồ hôi này dù các cơ sở pháp lý và pháp nhân của chúng quá mơ hồ.
Hệ thống iFan im hơi lặng tiếng trước cáo buộc lừa 15.000 tỉ đồng
Hàng trăm người tập trung tại trụ sở Công ty CP Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, TPHCM) vào ngày ... |
TPHCM: "Vỡ" đường dây đầu tư tiền ảo đa cấp lên tới 15.000 tỉ đồng?
Vào ngày 8.4, hàng chục người đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM ... |