Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, với tốc độ tăng trưởng du khách 25% mỗi năm, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Hôm nay 31/10, các đại biểu bước vào ngày làm việc thứ 2, thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Đề cập đến kết quả ngành du lịch đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch cho biết, từ năm 2015 đến 2018, lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 2 lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu.
"Với tốc độ tăng trưởng du khách 25% mỗi năm, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Khách nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 lên 80 triệu lượt năm 2018 và đóng góp 8,4% GDP", ông Thiện nói và thông tin thêm, 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 13%), trong khi tăng trưởng du lịch toàn cầu là 4% và khu vực Đông Nam Á 5%.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Trong hai lần xếp hạng gần đây đã tăng lên 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu ở Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: Ngọc Thắng |
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận, phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, như: Chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú. Vì vậy, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông cho rằng cần tiếp tục đổi mới nhận thức xem đây là ngành kinh tế tổng hợp, tăng cường công tác xúc tiến, phối hợp công tư...
Ông Thiện đề xuất tăng kinh phí cho chương trình xúc tiến du lịch vì hiện Việt Nam chỉ đạt 54 tỷ đồng (2,5 triệu USD) trong khi Thái Lan đang chi khoảng 80 triệu USD. Bên cạnh đó, các thủ tục cũng phải tiếp tục đơn giản hoá để tạo điều kiện cho du khách; đẩy mạnh liên kết, xã hội hoá du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
"Bốn năm qua, số lượng buồng phòng tăng gấp đôi nhờ xã hội hoá. Sau khi có những hãng hàng không ra đời thì có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm du lịch. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long...", Bộ trưởng Thiện nói và khẳng định, đây là những kinh nghiệm để sắp tới Việt Nam đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành.
Tiếp mạch ý kiến về tình hình Biển Đông được một số đại biểu đề cập trong phiên thảo luận hôm qua, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, "đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm". Tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đều nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tướng Nghĩa nhấn mạnh, thời gian qua công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.
"Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, giữ môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế", ông nói.
Về việc "vừa qua trong dư luận, người dân có hiến kế cách này, cách khác", Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói "Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời kiên trì kế thừa truyền thống văn hoá dựng nước của cha ông". Theo ông, đó là tinh thần dĩ bất biến ứng vạn biến. Điều gì thuộc về nguyên tắc phải kiên quyết giữ gìn; những vấn đề thuộc về độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì quyết không nhân nhượng. Nhưng Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông là hoà hiếu, hoà bình.