Việt Nam lên tiếng về luật hải cảnh Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong ban hành luật biển, khi bình luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.

"Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thông cáo hôm nay.

Bà Hằng đưa ra tuyên bố sau khi được hỏi về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 22/1 đã thông qua luật cho phép hải cảnh dùng vũ lực, động thái có thể khiến các vùng biển khu vực "hỗn loạn hơn".

"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.

4237 le thi thu hang 1 2 jpg 9334 1 7424 2187 1611924749
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 14/1. Ảnh: Vũ Anh.

Bà Hằng cũng yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Theo dự thảo luật hải cảnh được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật hải cảnh Trung Quốc nêu các trường hợp lực lượng này sử dụng những loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hoặc từ trên không.

Luật hải cảnh Trung Quốc cũng cho phép thành viên lực lượng được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Đạo luật này còn trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Trung Quốc thông qua hải cảnh cảnh trong bối cảnh nước này đang tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và một số quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần điều tàu hải cảnh đến xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác và một số lần đâm chìm tàu cá nước ngoài.

Ngọc Ánh

Luật hải cảnh Trung Quốc được ví như Luật hải cảnh Trung Quốc được ví như "bom hẹn giờ"

Chuyên gia quốc phòng Philippines nhận định luật hải cảnh Trung Quốc mới thông qua vi phạm luật quốc tế, không khác gì "bom hẹn ...

Philippines phản đối luật hải cảnh của Trung Quốc Philippines phản đối luật hải cảnh của Trung Quốc

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì thông qua luật cho phép lực lượng hải ...

/ vnexpress.net