Các bác sĩ cập nhật liên tục nhiều phác đồ quốc tế, rồi tính toán loại thuốc và liều lượng thích hợp với người Việt trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định: "Điều trị bệnh nhân Covid-19 thực sự khó khăn bởi đây là bệnh mới, cơ chế gây bệnh còn chưa rõ ràng. Mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng và tiến triển bệnh khác nhau".
Đối mặt Covid-19, các bác sĩ phải đọc nhiều tài liệu nước ngoài để tham khảo, cùng nghiên cứu với hội đồng chuyên môn, đưa ra phác đồ ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, và luôn cập nhật những điểm mới hàng ngày.
Các thầy thuốc sau đó còn cân nhắc tìm các loại thuốc và liều lượng thích hợp với người Việt Nam. Có những loại thuốc vốn được dùng để điều trị bệnh khác, song bác sĩ cùng hội đồng chuyên môn thấy được những tác dụng khác nhau của nó, có thể áp dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Ví dụ thuốc Aluvia, vốn điều trị cho bệnh nhân HIV, song có thể được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV, bên cạnh phác đồ Cloroquine", bác sĩ nói.
Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp điều trị các bệnh nhân nhẹ. Những ngày đầu dịch, hầu hết bệnh nhân ở mức độ nhẹ, được điều trị triệu chứng nhẹ như viêm hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, được
truyền dịch và dùng thuốc nâng cao thể trạng. Song cũng có bệnh nhân diễn tiến bất thường. So với các bệnh có biểu hiện lâm sàng tương tự, Covid-19 có nhiều điểm khác và mới.Bác sĩ Mai kể có những trường hợp tiến triển bệnh rất chóng vánh. Một bệnh nhân ở công ty Trường Sinh vừa chuyển lên Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, sáng đang ở mức độ nhẹ, chiều đã khó thở, suy hô hấp, phải chuyển xuống Khoa Cấp cứu.
"Mỗi khi bệnh nhân sốt hoặc gặp tác dụng phụ của thuốc, chúng tôi trăn trở suy tính cách điều trị", bác sĩ kể. "Có nhiều phác đồ, chúng tôi phải chọn lựa".
Ví dụ Cloroquine có tác dụng độc lên cơ tim, thầy thuốc phải tầm soát kỹ về tim, siêu âm tim, điện tim... rồi mới có thể ra quyết định.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Đông Anh, Hà Nội ngày 24/3. Ảnh: Ngọc Thành
Các ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) được điều trị tại phòng cấp cứu của các khoa hoặc Khoa hồi sức tích cực. Ca bệnh nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) được điều trị tại phòng Hồi sức tích cực.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết đối với nhóm bệnh nhân nặng, tiến triển suy hô hấp rất nhanh, buổi sáng có thể bình thường nhưng buổi chiều chụp CT có thể trắng cả phổi.
"Nhóm bệnh nhân này phải theo dõi rất sát vì có thể suy hô hấp bất cứ lúc nào. Đó là diễn biến khác so với bệnh nhiễm khuẩn thông thường", bác sĩ Ninh nói.
Các thầy thuốc đã dày dạn kinh nghiệm trong điều trị những ca nặng và nguy kịch do virus H1N1 và H5N1, nhưng với Covid-19, họ phải xây dựng chiến lược thở máy với sự khác biệt nhất định.
"Chiến lược thở máy rất quan trọng, giúp kiểm soát được đường thở của bệnh nhân", bác sĩ Hải Ninh cho biết. "Trong quá trình điều trị, phải theo dõi rất sát phản ứng của bệnh nhân, nếu thuốc có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng, nếu không đáp ứng tốt thì ngay lập tức phải đổi phác đồ".
Điều may mắn cho đến nay, theo các bác sĩ, là trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt. Các thuốc có trong phác đồ của thế giới, Việt Nam đều đang sử dụng hiệu quả.
Thúy Quỳnh - Chi Lê