Việt Nam đề cao Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nhằm bảo vệ chủ quyền

Trong 40 năm qua, với vai trò là “Bản hiến chương về đại dương”, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã góp phần quan trọng trong duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, giúp giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển

Nhân kỷ niệm 40 năm UNCLOS, Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: Thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á”, do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội sáng 29-6.

Đề cập đến ý nghĩa, giá trị của UNCLOS, các phát biểu tại đối thoại cho rằng sự ra đời của UNCLOS là một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, tạo nền móng để thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia đã và đang phát triển.

Công ước UNCLOS được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Montego thuộc Jamaica ngày 10-12-1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Sự ra đời của UNCLOS là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau.

Việt Nam đề cao Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nhằm bảo vệ chủ quyền ảnh 1

Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: Thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á”

Với 320 điều khoản và 9 phụ lục, đây là văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX. Kể từ khi chính thức có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS đóng vai trò như “Hiến chương về đại dương” với các quy định chặt chẽ về sử dụng các đại dương trên thế giới, vốn chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất.

Trước hết, UNCLOS năm 1982 giúp xác định tất cả các vùng biển trên thế giới. Trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia ven biển xác định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình với chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thềm lục địa với chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Các vùng biển ngoài phạm vi tài phán của các quốc gia ven biển gọi là biển quốc tế hay biển cả, đáy biển và tài nguyên khoáng sản ở vùng biển quốc tế là di sản chung của nhân loại.

Công ước cũng đưa ra những quy định chung về bảo tồn tài nguyên, phát triển tài nguyên một cách bền vững và điều chỉnh tất cả những hoạt động trên biển, bao gồm nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp dưới đáy biển... Cùng với đó, Công ước cũng là Hiến chương, điều lệ cho việc thành lập ra tất cả những tổ chức quốc tế lớn về biển như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa - cơ quan quyền lực về đáy đại dương.

Đặc biệt, Công ước còn đưa ra cơ chế để giải quyết những tranh chấp về biển. Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, nếu việc trao đổi, đàm phán không đạt được giải pháp thỏa đáng, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển quốc tế (được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS) hoặc Tòa Trọng tài (theo Phụ lục VII UNCLOS), Tòa Trọng tài đặc biệt (theo Phụ lục VIII UNCLOS).

Sau 4 thập kỷ kể từ khi ra đời, UNCLOS 1982 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Đến nay Công ước đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn, 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn. Công ước đã vượt qua thử thách thời gian, chứng minh được hiệu quả trong việc thiết lập trật tự trên biển, tạo nên một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia, từ đó góp phần gìn giữ môi trường biển an toàn và hòa bình.

Tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS

 Là quốc gia ven biển có đường bờ biển dài hơn 3 nghìn km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hơn ai hết Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo. Chính vì thế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước, Việt Nam đã có những chuyên gia, đại diện tham gia quá trình xây dựng nội dung.

Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS. Tham gia ký UNCLOS, Việt Nam đã thực hiện tất cả các quyền của quốc gia ven biển, bao gồm Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982; Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên Liên hợp quốc năm 2009; ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam năm 2012 được xây dựng hài hòa với các quy định của UNCLOS 1982.

Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi theo UNCLOS là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Cùng với Đức, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm bạn bè của UNCLOS và vinh dự là một trong 12 nước sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc. Đây là nỗ lực khẳng định cam kết của Việt Nam tuân thủ, đề cao UNCLOS, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đến nay, tham gia Nhóm bạn bè của UNCLOS có 115 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Dư luận quốc tế đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và Đức, cho rằng sáng kiến này đã đáp ứng kịp thời sự quan tâm và nhu cầu đề cao vai trò, giá trị của UNCLOS, thúc đẩy tuân thủ UNCLOS, tạo cơ chế phối hợp cùng giải quyết thách thức đối với UNCLOS và thách thức trong lĩnh vực biển và đại dương như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Mặt khác, Việt Nam tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, UNCLOS”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam cũng đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN.

https://www.anninhthudo.vn/viet-nam-de-cao-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-nham-bao-ve-chu-quyen-post509138.antd

Hoàng Sơn / anninhthudo.vn