Việt Nam đàm phán lại TPP: Điều cấp bách hơn!

Thay vì quá tập trung tham gia các hiệp định thương mại như TPP, chúng ta cần phải tăng cường nội lực, nhất là tiềm lực mạnh về kinh tế.

Mong muốn chung

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017, các quốc gia còn lại đang nỗ lực tiến hành các vòng đàm phán mới về Hiệp định này, còn gọi là TPP 11.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho rằng động thái trên cho thấy 11 quốc gia vẫn mong muốn duy trì Hiệp định TPP và cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ để mở rộng các mối quan hệ hợp tác.

Tuy nhiên theo ông Sơn, khi Mỹ rút khỏi sân chơi này thì ý nghĩa của TPP không còn như trước mà đã bị thay đổi để phù hợp với đặc điểm của 11 quốc gia còn lại.

Việt Nam đàm phán tại TPP. Ảnh minh họa

“Theo tôi hiệp định này không thể gọi là TPP được. Nếu có làm thì hiệu quả cũng không cao. Mục tiêu của các nước khi tham gia TPP là trông chờ vào nền kinh tế và thị trường Mỹ.

Ngoài chuyện quy mô thị trường kinh tế rộng lớn, đây còn là quốc gia có thể chế rất chuẩn, minh bạch, rõ ràng. Khi Mỹ bỏ rồi thì bắt buộc các quốc gia còn lại phải phát triển theo một hướng khác chứ không thể gọi đúng như tên ban đầu được.

Cũng có thể đây vẫn là hiệp định thương mại nhưng có các điều khoản và có các nguyên tắc khác. 11 quốc gia còn lại phải thay đổi chiến thuật và các điều khoản trong đó. Tuy nhiên việc đạt được các tiêu chuẩn về mặt bản quyền tác giả, chế độ lao động hay các quy tắc tôn trọng lao động nữ khi có Mỹ tham gia sẽ khó đạt được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo nhận định của TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, khi Mỹ rút khỏi TPP đã để lại một khoảng trống lớn cho các quốc gia khác. Nhiều nước thành viên như Nhật Bản, Úc hay New Zealand đã bày tỏ mong muốn thay thế Mỹ để giữ vai trò quyết định tại TPP. Hay như Trung Quốc đang kêu gọi các quốc gia cùng kiến lập Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

“Trung Quốc đang muốn làm được cầm đầu một 1 tổ chức nào đó. Họ dựa vào Ngân hàng đầu tư châu Á hay sáng kiến “1 vành đai 1 con đường” để lập ra sân chơi mới, qua đó tập hợp các quốc gia cùng tham gia, gia tăng ảnh hưởng của mình. Nếu không tham gia TPP Mỹ dường như đã nhường sân chơi, nhường lợi thế cho đối thủ của mình.

Tuy nhiên phải thấy bằng, hiện nay bàn cờ thế giới đang phân bố lại các lực lượng và quyền lực. Trên thế giới không ai cầm trịch được do đó sự tham gia của Trung Quốc chưa chắc đã phải động lực tốt cho nền kinh tế thế giới”, TS Đoàn nêu quan điểm.

Mỹ khó đàm phán lại TPP

Theo nhận định của PGS.TS Lê Cao Đoàn, khả năng Mỹ chấp nhận xuống nước, ngồi lại vào vòng đàm phàn phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền cũng như cá nhân Tổng thống Donald Trump.

Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cho rằng việc tham gia các tổ chức như người tiền nhiệm Obama đã khiến nền kinh tế nước Mỹ suy giảm, không có lợi cho người dân quốc gia này. Vì thế ông ấy mong muốn khôi phục lại vị trí cũng như sức mạnh của nước Mỹ bằng lối chơi đàm phán song phương thay vì đa phương như trước kia.

“Theo đường lối của ông Trump thì Hoa Kỳ tăng cường được tiềm lực kinh tế của mình nhưng đổi lại mất đi vị thế lãnh đạo.

Mỹ tập trung thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi”, ông Đoàn nhấn mạnh.

TS Bùi Ngọc Sơn cũng cho rằng khó để chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi quyết định và tiến hành đàm phán lại với các quốc gia để xây dựng TPP như ban đầu.

“Tôi nghĩ Trung Quốc hay Nhật Bản rất khó soán ngôi Mỹ. Làm sao 2 nước này có thể gánh vác được trọng trách như Mỹ từng đảm nhận. 2 quốc gia trên khác nhau về thể chế, khác nhau về đường lối và thậm chí xung khắc nhau về mặt ý đồ chính trị. Làm thế nào để thống nhất được về TPP?

Ông Trump nhận thấy việc nước Mỹ chiều lòng tất cả các quốc gia khác, để họ ngang hàng với Mỹ sẽ không có lợi bằng đàm phán song phương. Nên xu hướng trong thời gian tới sẽ là đàm phán song phương với Mỹ là chính”, TS Sơn nhận định.

Đẩy mạnh hợp tác song phương

Về phía Việt Nam, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng thay vì quá tập trung tham gia các hiệp định thương mại, chúng ta cần phải tăng cường nội lực của mình.

Quan điểm của Việt Nam cần hướng tới đó là tham gia tích cực vào sự phát triển của thế giới nhưng là một quốc gia có chính kiến riêng, hoàn toàn độc lập.

“Muốn làm điều gì thì cũng cần xây dựng Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế. Khi chúng ta đã đủ mạnh thì có thể chơi được tất cả các quốc gia trên thế giới và các nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ.

Để làm được thế cần phải nâng cao nội lực của bản thân nền kinh tế. Bao gồm, thiết lập được một nền kinh tế thị trường theo chuẩn mực thế giới để phát triển các lợi thế của mình. Đồng thời phải chú ý đến phát triển khoa học công nghệ để hòa nhập cùng thế giới. Nếu chúng ta không làm được điều này thì khả năng nền kinh tế sẽ thất bại nhiều”, ông Đoàn cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS Bùi Ngọc Sơn cũng cho rằng Việt Nam nên xác định đâu là đối tác quan trọng để tiến hành ký kết và tập trung trọng tâm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đó.

“Khi đủ sức mạnh và khả năng chơi với quốc gia lớn như Mỹ thì chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với các quốc gia khác. Chúng ta phải cố gắng duy trì các đối tác thương mại của mình, làm sao đảm bảo tương lai ổn định”, ông Sơn nêu quan điểm.

(http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/viet-nam-dam-phan-lai-tpp-dieu-cap-bach-hon-3343584/)

Việt Nam đàm phán lại TPP: Cơ hội rất lớn

Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội khi tham gia TPP dù Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi đàm phán về Hiệp định này.

Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Tránh hô khẩu hiệu!

Để tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam cần giải quyết vấn nạn tham nhũng, tạo môi trường tự do thương mại và tìm ...

Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Bước ngoặt TPP

Gia nhập TPP có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và được coi là bước ngoặt khi chúng ta gia ...

/ Theo Nguyễn Hoàn/Báo Đất việt