Việt Nam cần 150 tỷ USD làm các dự án điện 10 năm tới

Để làm các dự án điện, Việt Nam có thể cần 150 tỷ USD, tức một nửa quy mô GDP hiện nay nhưng việc huy động vốn đang không dễ.

Tính toán trên được ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển nêu tại hội thảo về huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập sáng 24/11. Còn theo số liệu sơ bộ của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021, nhu cầu vốn cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, giai đoạn 2031-2045 là 184,1 tỷ USD.

Với nhu cầu này, theo ông, quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong 5 năm tới không đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho ngành điện.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò quan trọng.

Ông Hiển cũng dẫn Nghị quyết 55 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy, Bộ Chính trị đã khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia đầu tư năng lượng, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính, huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển.

4624 cong nhan tren luoi truyen tai 4672 8113 1606204765
Công nhân Công ty truyền tải điện 3 đang sửa chữa đường dây. Ảnh: Hoài Thu.

Dù vậy, ông nhìn nhận, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện cũng như các dự án điện độc lập (IPP) vẫn còn khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn, FDI vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc...

Là công ty chuyên tư vấn tài chính cho ngành năng lượng, ông Fabrice Henry, CEO Astris Finance lưu ý về công cụ tài chính dự án. Theo ông, các dự án IPP thường sử dụng phương thức này, bởi nó cho phép dự án được tài trợ dựa trên dòng tiền được tạo ra trong tương lai.

Theo đó, chủ đầu tư sẽ thành lập một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (Special purpose vehicle - SPV). Công ty này sẽ ký kết các hợp đồng với một số bên, bao gồm: hợp đồng xây dựng, Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), vận hành và bảo dưỡng (O&M)... Dự án được tài trợ bằng sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu của nhà tài trợ và vốn vay nợ. Sau khi dự án được xây dựng, công ty SPV sẽ hoàn trả khoản vay bằng cách sử dụng các dòng tiền do dự án tạo ra. Khoản vay thường được đảm bảo bằng một gói, gồm quyền thế chấp đầu tiên với tài sản thực của dự án; cam kết về lợi tức vốn chủ sở hữu trong công ty SPV; quyền lợi bảo đảm trong các hợp đồng quan trọng mà SPV đã ký kết; tiền lãi bảo đảm trong tài khoản ngân hàng công ty SPV và tài sản tài chính.

Thị trường và các nguồn quỹ cho tài chính dự án theo ông Fabrice rất đa dạng, phong phú. Trong năm 2019, có khoảng 350 tỷ USD được dành cho tài chính dự án. Riêng lĩnh vực năng lượng, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mỗi năm có khoảng 80 tỷ USD mỗi năm được rót vào.

"Có khoảng 5-6 loại nguồn tài chính dự án trên thị trường và chắc chắn họ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam nếu các dự án được cấu trúc phù hợp", ông Fabrice nói. Các nguồn này bao gồm Tổ chức tài chính phát triển, Cơ quan tín dụng xuất khẩu, các ngân hàng thương mại quốc tế, ngân hàng nội địa, thị trường trái phiếu.

Để huy động vốn quốc tế của dự án, đại diện Astris Finance cho rằng cần đáp ứng được 4 trụ cột. Trước tiên, dự án cần phải có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Tiếp đó, bên cho vay sẽ quan tâm đến khuôn khổ pháp lý, quy định và tính chắc chắn của hợp đồng tổng thể dự án. Yếu tố tiếp theo là phân bổ rủi ro dự án phải chặt chẽ. Cuối cùng, các bên quản lý rủi ro chính của dự án đều phải có xếp hạng tín dụng tốt, hoặc mức tín dụng của họ phải được tăng cường bởi một đối tác tín dụng cao.

Phương Ánh

Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị vận hành 2 dự án điện mặt trời 1.500 tỷ đồng Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị vận hành 2 dự án điện mặt trời 1.500 tỷ đồng
Nhà đầu tư ngoại Nhà đầu tư ngoại "thâu tóm" dự án điện mặt trời: Bộ Công thương nói gì?
Dự án điện mặt trời 450 MW được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch Dự án điện mặt trời 450 MW được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch
/ vnexpress.net