Một đời danh tiếng của Võ thánh Quan Vũ, rốt cuộc, lại kết thúc theo cách thảm hại nhất. Mất Kinh Châu, thua liên tiếp nhiều trận, hao binh tổn tướng, bị bắt sống và hành quyết tại chỗ. Nhưng tại sao, lịch sử lại có quá ít ghi chép và đánh giá đúng vai trò của viên tiểu tướng đã lập chiến công bắt được Quan Vũ?
Thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc có 2 tướng tên Mã Trung. Mã Trung thứ nhất, là tướng nhà Thục Hán, theo Gia Cát Lượng trong cuộc Nam chinh, thu phục Mạnh Hoạnh ổn định vùng Nam Trung, lập được nhiều chiến công, từng làm tới chức Thượng thư trấn thủ Thành Đô thời Hậu chủ Lưu Thiện
Mã Trung thứ hai, chỉ là một bộ tướng, chính xác là giữ chức Tư mã dưới quyền danh tướng Phan Chương của Đông Ngô. Nhưng Mã Trung của Đông Ngô, lại là một nhân vật gắn liền với một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử Tam Quốc: cái chết của Võ thánh Quan Vũ.
Tạo hình Mã Trung, một tướng gần như vô danh dưới quyền Phan Chương
Sử sách đề cập đến Mã Trung của Đông Ngô rất ít, nhưng đủ để làm nổi bật vai trò lịch sử của viên tiểu tướng này. Cái chết của Quan Vũ, liên minh Tôn-Lưu tan vỡ, Lưu Bị tấn công Đông Ngô và đại bại trước Lục Tốn ở trận Di Lăng. Cục diện chính trị và chiến sự Tam Quốc, nói không ngoa, khởi phát từ chính… chiến công để đời của viên tướng này.
Ngược dòng lịch sử, cuối năm 219, Quan Vũ sau khi mất Kinh Châu và đại bại trước quân Ngụy của tướng Từ Hoảng ở Hán Thủy trong khi My Phương và Phó Sĩ Nhân đầu hàng Tôn Quyền, dâng luôn Giang Lăng cùng thành Công An, chỉ còn đương lui quân về Mạnh Thành.
Tháng Chạp 219, trong tình thế quân Ngô truy kích ác liệt, Quan Vũ cùng con trai Quan Bình dẫn khoảng chục quân kị rời Mạnh Thành, theo đường nhỏ chạy lên phía Bắc, hy vọng men theo đường núi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Tôn Quyền nhằm tới Ích châu hoặc Hán Trung (địa bàn của Lưu Bị).
Theo Tam Quốc chí phần Ngô Chủ chuyện, khi Quan Vũ cùng nhóm tàn binh chạy tới Lâm Thư, thì gặp phục kích của quân Ngô, được chỉ huy bởi hai chiến tướng Chu Nhiên và Phan Chương. Chu Nhiên để sổng Quan Vũ, nhưng bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được hai cha con Vũ – Bình ở Chương Hương.
Quan Vũ danh chấn thiên hạ thời Tam Quốc...
Đây chính là chi tiết lịch sử đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên và cũng là duy nhất của Mã Trung. Sau khi bắt được cha con Quan Vũ, Mã Trung áp giải họ tới Lâm Thư. Tại đây, Phan Chương theo chỉ của Tôn Quyền đã ra lệnh hành quyết Quan Vũ và Quan Bình. Dù vậy, sử sách không ghi rõ ai trực tiếp chém đầu cha con Vũ – Bình.
Sau đó sử sách cũng không nhắc tới Mã Trung nữa, dù đáng ra với đại công lập được, ông xứng đáng được thăng cấp vài bậc, để trở thành một viên tướng có “vai vế” trong hàng ngũ quân đội Đông Ngô.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung lại thêu dệt thêm khá nhiều chi tiết li kì về Mã Trung sau sự kiện chấn động bắt sống và hành quyết Quan Vũ. Như việc Mã Trung phục kích và bắn tên trúng Hoàng Trung ở trận Di Lăng, dẫn tới cái chết của một trong Ngũ Hổ tướng của Lưu Bị. Dù thực tế theo chính sử, Hoàng Trung qua đời vì bệnh nặng trước khi Lưu Bị xưng đế và ông không tham dự chiến dịch đánh Đông Ngô.
Ngay cả cái chết của Mã Trung cũng được La Quán Trung “phịa” nốt. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, sau khi giao chiến với Quan Hưng Trương Bào, Mã Trung bị My Phương và Phó Sĩ Nhân, những hàng tướng liên quan đến cái chết của Quan Vũ, lập mưu đâm chết, cắt lấy đầu dâng lên Lưu Bị để đáo công chuộc tội. Thực tế, con đường công danh của Mã Trung và việc ông sống chết ra sao, chẳng có sử liệu nào ghi chép cả.
... Nhưng rốt cuộc lại bị bắt sống bởi một viên tướng hạng tư, hạng năm có tên Mã Trung
Đúng là không có nhiều ghi chép chính sử về Mã Trung. Nhưng một viên tướng vô danh mà “dám” đương đầu với Quan Vũ, thậm chí bắt sống cả Võ thánh huyền thoại, thì rõ ràng Mã Trung không phải nhân vật tầm thường.
Cần biết rằng thời Tam Quốc, Quan Vũ uy chấn thiên hạ, chỉ cần đứng một chỗ một tay giữ Thanh Long yển nguyệt đao một tay vuốt râu dài cũng đủ khiếp đảm quần hùng. Thế mới nói, sử gia thời Tam Quốc cũng như sau này, có phần xem nhẹ cái sự đảm lược và vai trò lịch sử của Mã Trung.
Âu cũng bởi xuất phát điểm tầm thường của Mã Trung. Ngay cả sử gia danh tiếng Lê Đông Phương cũng xem việc Quan Vũ bị bắt sống bởi tay một viên tiểu tướng như Mã Trung là "chết về tay một nhân vật hạng tư hạng năm, thật đáng than thở, thật đáng đau buồn", thì trách sao người đời không đánh giá đúng tầm vóc của Mã Trung.
8 thế ngoại cao nhân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa gồm những ai?
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là bộ tiểu tuyết đầu tiên thuộc thể loại chương, hồi của Trung Quốc. Toàn bộ tác phẩm xoay quanh chữ ... |
Tam quốc diễn nghĩa: Ai mạnh nhất ngũ hổ tướng của nhà Thục?
Trong Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng không kém các vị quân sư mưu lược tài ba chính là đội hình Ngũ Hổ Tướng nhà ... |