Phó giáo sư Sơn đánh giá người Việt dễ chán nản khi gặp khó khăn, không biết lo xa, tính tổ chức kỷ luật kém, nặng nề cục bộ địa phương.
Sáng 16/3, tại hội thảo "vai trò của truyền thông trong văn hoá ứng xử hiện nay" do Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hoá nghệ thuật quốc gia, chỉ ra nhiều "thói hư, tật xấu" của người Việt.
Theo ông Sơn, người Việt quá ỉ lại vào việc được thiên nhiên ưu đãi, hình thành lối sống lười biếng lao động, khai thác tài nguyên thiếu ý thức. "Đáng lý người Việt phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên thì lại quá lệ thuộc vào "trời", thường tin vào số phận, may rủi dẫn đến dễ chán nản, chùn bước khi gặp khó khăn", ông Sơn nói.
Vì lối sản xuất, lao động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm về thời tiết nên người Việt thiếu ý thức nghiên cứu khoa học ứng dụng một cách nghiêm túc và sáng tạo. Lối sống và tư duy tiểu nông còn dẫn đến sự tuỳ tiện, manh mún, không biết lo xa, tính tổ chức kỷ luật kém, nặng nề cục bộ địa phương. Nhiều người đề cao thói quen "ăn xổi, ở thì" vì lợi ích trước mắt chứ ít chú tâm lợi ích chiến lược bền lâu.
Ông Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Viết Tuân. |
Viện trưởng Văn hoá nhận định, vì chịu ảnh hưởng bởi truyền thống "dùi mài kinh sử" vượt qua các kỳ thi nhằm có địa vị xã hội để hưởng vinh hoa phú quý nên nhiều người học hành không đến nơi đến chốn.
Theo một số cuộc điều tra xã hội học, người Việt Nam đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều mà chủ yếu phục vụ thi cử hay hoàn thành một chứng chỉ, bằng cấp nào đó. Vì thế trong nghiên cứu, học tập người Việt nặng về giáo điều, sao chép và học thuộc lý thuyết có sẵn. "Lối học tầm chương, trích cú đó trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn tới thiếu tự tin, không dám vượt bỏ quá khứ", ông phát biểu.
Theo ông Sơn, cách tư duy thiên về tình cảm còn khiến người Việt Nam dễ cam chịu, xu thời, ý thức pháp luật chưa cao. Chủ nghĩa kinh nghiệm (trăm hay không bằng tay quen) tạo nên "lối sống gia trưởng, lão quyền, trọng trưởng, khinh ấu". Điều này dẫn đến sự bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới. Ai cũng tìm cách phủ nhận năng lực của người đi sau. Do coi trọng tinh thần, khinh chê vật chất nên nhiều người vướng vào thói hư danh, ảo tưởng, sĩ diện. Người Việt đi đâu cũng giấu cái nghèo khổ, ít ai chịu thú thật nỗi cực nhọc, vất vả phải chịu đựng nên dẫn đến thói kiêu căng.
Tính cục bộ, kéo bè cánh, chỉ vì lợi ích cá nhân, địa phương cục bộ khiến người Việt khó hoà nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng níu kéo nhau, không muốn cho người khác hơn mình cùng thói quen ghen ghét, đố kỵ, dẫn đến việc "một người thì làm tốt, ba người thì làm tồi, bảy người thì làm hỏng".
Viện trưởng Sơn cho rằng nếu không thẳng thắn thừa nhận những thói xấu trên và tìm giải pháp khắc phục sẽ tạo rào cản, tạo ra sức ì nặng nề cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Cùng chung những trăn trở về văn hoá ứng xử, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thêm những thói xấu khác của người Việt Nam đương đại: đi đâu cũng chen lấn, không xếp hàng và nhường nhau; đến nơi công cộng vẫn nói to, ồn ào; xả rác ở mọi nơi... Tổ chức nhiều hội nghị, ăn uống tràn lan trái với phẩm chất cần kiệm. "Chúng ta còn nghèo nhưng lãng phí quá", Phó thủ tướng nói.
Vì vậy, ông mong muốn các nhà nghiên cứu văn hoá và báo chí tích cực đề cao những nét đẹp văn hoá; đồng thời phân tích, tìm giải pháp cho những vấn đề trên.
Đề cập văn hoá ứng xử của cán bộ trong thực thi công vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường thừa nhận, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức. Một số trường hợp còn hành xử côn đồ khi đánh người ở nơi công cộng làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ trong đời sống xã hội. Theo ông Cường, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn do người đứng đầu các cơ quan công quyền chưa nghiêm túc, gương mẫu trong thực hiện văn hoá công vụ.
Đại tá Nguyễn Văn Hải (báo Quân đội Nhân dân) nhận định, thực trạng văn hoá ứng xử trong xã hội xuống cấp một phần bởi những sản phẩm văn hoá, nghệ thuật có nội dung tầm thường nhưng được ca ngợi một cách khó hiểu. Ông lấy ví dụ, bài hát Anh đếch cần gì nhiều ngoài em với ca từ suồng sã nhưng lại được vinh danh ở giải thưởng Keeng Young Awards 2018. Ca khúc đã hơn 10 lần nhắc lại điệp khúc "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" khiến những ai còn tha thiết với văn hoá của người Việt đều cảm thấy ái ngại.
Theo Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, gần đây Viện nghiên cứu xã hội Hoa Kỳ đã nêu lên 10 đặc điểm cơ bản của người Việt Nam như sau: - Cần cù lao động song để thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng. - Thông minh, sáng tạo song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động. - Khéo léo song không duy trì tới cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm); - Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận; - Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì trí đam mê); - Xởi lởi hiếu khách song không bền; - Tiết kiệm song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời); - Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện. - Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục; - Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh. |
Người Việt lười biếng nên mới phản đối cấm xe máy
Dân mình giờ lười biếng hơn, chịu khó thức khuya nhậu nhẹt, ăn chơi nhưng lại ngại dậy sớm đi bộ đi làm. |
Người Việt lười tập thể dục nhất thế giới
30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam là một trong 10 nước lười vận động nhất thế giới. |