Việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được trả tự do có thể loại bỏ một số bế tắc trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng căng thẳng có thể tiếp tục ở lĩnh vực khác.
Bà Mạnh Vãn Châu đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ hôm 24/9 nhằm kết thúc cáo buộc gian lận tài chính tại tòa án và lên đường về Trung Quốc.
Cuộc chiến của bà Mạnh, con gái Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, trong việc chống lại yêu cầu dẫn độ từ Mỹ sang Canada kéo dài 3 năm, tạo nên căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ - Trung - Canada. Trong khi Canada bắt giữ bà Mạnh, Trung Quốc cũng bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig. Bắc Kinh và Ottawa dù vậy không kết nối hai vụ với nhau.
Mạnh Vãn Châu rời tòa án. (Ảnh: Reuters) |
Theo Huang Jing, giáo sư Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh: “Đây là một vấn đề chính trị và lý do mọi chuyện được giải quyết là vì Mỹ và Trung Quốc đã có sự thỏa hiệp chính trị. Kết quả hiển nhiên sẽ có hiệu ứng tích cực với mối quan hệ ba bên Mỹ, Trung Quốc và Canada”.
Giáo sư Huang nói thêm, thỏa thuận bà Mạnh đạt được với chính phủ Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy giữa Bắc Kinh và Washington vẫn còn những lĩnh vực có thể hợp tác, bất chấp mâu thuẫn căng thẳng trong những năm gần đây.
Song Luzheng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại đại học Fudan, Thượng Hải, cho rằng sự trở lại của Mạnh Vãn Châu có thể tạo tiền đề hợp tác sâu hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong những vấn đề khác, bao gồm việc dỡ bỏ các chương trình thuế quan trừng phạt được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt vào năm 2018.
Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã nói rằng Nhà Trắng vẫn đang thực hiện “một đánh giá chiến lược kỹ càng để tạo nên chính sách thương mại bền vững”.
Các nhóm doanh nghiệp ở Mỹ cũng kêu gọi nước này loại bỏ các chương trình thuế ảnh hưởng không xấu đến kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Song dự đoán cánh cửa đối thoại “để loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn các loại thuế quan” sẽ sớm mở ra, có thể vào tháng tới hoặc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, dù vẫn chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham gia trực tiếp và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không.
“Đến năm sau sẽ không có cơ hội như thế nữa vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên một số nhà quan sát dự đoán sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và 5G sẽ vẫn tiếp tục, thậm chí leo thang.
Một giáo sư giấu tên tại Bắc Kinh cho rằng việc bà Mạnh thừa nhận “đã cố ý tuyên bố sai” tại Canada có thể bị xem là bằng chứng cho một vụ việc khác. Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Huawei và hai chi nhánh có âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ.
“Dù đây có thể là chiến thắng một trận trong toàn bộ cuộc chiến ngoại giao này, song về lâu dài, tôi không nghĩ Mỹ sẽ từ bỏ việc kiềm chế Trung Quốc".
Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và 5G sẽ vẫn tiếp tục, thậm chí leo thang. (Ảnh: SCMP) |
Chuyên gia Song cũng đồng ý: “Ba vấn đề chính trong quan hệ Mỹ - Trung hiện là 5G, thuế và vụ việc của Mạnh Vãn Châu. Dù Mỹ có thể dỡ bỏ thuế quan, ít có khả năng họ sẽ nhượng bộ những vấn đề như 5G và chất bán dẫn”.
Bắc Kinh cũng đã tỏ ra khá cẩn trọng. Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc nói về việc Mạnh Vãn Châu được trả tự do như bằng chứng mới nhất cho sự trỗi dậy của nước này, không có nhiều tin tức được đưa về hai người Canada.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc ca ngợi việc Mạnh không nhận tội trước các cáo buộc, mô tả đó là “duy trì công lý’ và “bảo vệ phẩm cách” của bản thân bà Mạnh Vãn Châu và Huawei.
“Kết quả này cũng có lợi cho việc khẳng định phẩm chất quốc gia của Trung Quốc”, một bài xã luận trên báo Trung Quốc nói.
Chuyến bay đưa bà Mạnh Vãn Chu về nước có "hành trình lạ"?
Hơn 9.500 người dùng trên trang web chuyên theo dõi chuyến bay FlightRadar24 chọn quan sát hành trình của chiếc máy bay đưa giám đốc ... |
Trung Quốc đón giám đốc Huawei trở về, 2 công dân Canada được thả tự do
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu về Trung Quốc hôm 25/9, cùng ngày hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ được ... |