- Có 30-60% người mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bị suy giảm thính lực
- Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ, cha mẹ không được quên
Một gia đình 4 người ở Bắc Kạn mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó có 2 người tử vong, 2 người phải nhập viện cấp cứu đã khiến nhiều người lo lắng. Theo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca nhập viện do viêm màng não tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 50 ca viêm màng não, 10 ca viêm não Nhật Bản và hàng trăm ca viêm não do vi khuẩn, virus.
Di chứng thần kinh do viêm não Nhật Bản
Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 7 trẻ bị viêm não, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản. Cháu P.T.T (7 tuổi, ở Nghệ An) phải thở máy, hôn mê, yếu nửa người bên phải và sốt cao do viêm não Nhật Bản. Trước khi nhập viện 4 ngày, cháu có biểu hiện sốt cao, co giật, sau đó hôn mê.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, cháu bé được nghi ngờ viêm não và được chỉ định chọc dịch não tuỷ, kết quả khẳng định viêm não Nhật Bản. Theo gia đình cháu bé, con đã được tiêm phòng 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản nhưng chưa tiêm nhắc lại sau đó. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau 5 ngày điều trị, cháu đã thoát thở máy nhưng chịu di chứng tổn thương não như yếu nửa người bên phải, tay trái bị run… BS Nam nhận định, về lâu dài cháu còn nhiều khó khăn về nhận thức, ngôn ngữ, yếu tay chân và phải tập phục hồi chức năng.
Tương tự, bé trai N.D.K (7 tuổi, ở Thái Nguyên) cũng nhập viện với chẩn đoán viêm não Nhật Bản, nhưng nhẹ hơn. Chị N.T.B (mẹ cháu bé) kể: “Vài ngày trước con sốt run người và cứ ăn vào lại nôn. Ban đầu gia đình chỉ cho con uống hạ sốt nhưng không hiệu quả, sốt miên man nên đưa con đến bệnh viện”. BS Nam cho biết, trường hợp này phải điều trị tăng áp nội sọ nhưng có tiến triển tốt hơn. Hiện cháu còn yếu và tinh thần chưa tỉnh táo.
Viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một số người sống sót. “Trong 71 ca viêm não Nhật Bản từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ sống khỏi khoảng 50%, còn lại là di chứng thần kinh từ nhẹ đến nặng. Thường trẻ phải phục hồi chức năng, sau 1-3 năm có thể hồi phục, có thể đi lại được, nhưng cũng có cháu không cải thiện. Tổn thương tri giác và trí tuệ hiện vẫn chưa đánh giá hết được”, BS Nam cho hay.
Cảnh báo bệnh lây qua đường hô hấp
Bệnh viêm não xuất hiện rải rác quanh năm, đặc biệt gia tăng vào mùa hè do thời điểm này miền Bắc nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm tới nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 ca viêm não và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ có thể lây qua đường hô hấp, triệu chứng lâm sàng thường dễ bị nhầm sang bệnh khác. Nhiều cha mẹ chủ quan, bỏ qua triệu chứng ban đầu của viêm não, vì vậy, trẻ thường đến bệnh viện muộn. Điển hình là trường hợp bé trai 6 tuổi ở Phú Thọ được đưa vào bệnh viện khi đã sốt, nôn, đau đầu, mệt 5 ngày ở nhà. Kết quả chọc dịch não tuỷ cho thấy có tới 450 tế bào, khẳng định tình trạng viêm màng não nhiễm khuẩn.
Điển hình hơn nữa là trường hợp 2 bà cháu ở huyên Ba Bể (Bắc Kạn) có chung triệu chứng sốt cao, nôn, đi ngoài phân lỏng liên tục, nổi ban xuất huyết và đưa đến bệnh viện thì tử vong. Sau đó, 2 người trong gia đình (con trai bà cụ và cháu nội) cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cấp cứu, do bệnh nặng được chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả chọc dịch não tuỷ xác định các bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu.
Để phòng viêm não, viêm màng não nói chung, BS Nam khuyến cáo ngoài giữ vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, cần có chế độ dinh dưỡng nâng cao thể trạng, đeo khẩu trang, diệt muỗi - đặc biệt ở các vùng chăn nuôi gia súc, vùng núi phía Bắc có dịch tễ có virus sẵn. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine đủ và đúng lịch. Thường sau 3 mũi tiêm ở 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm sau, đến khi 16 tuổi. Hiện vaccine phòng viêm não Nhật Bản mới có thể chỉ tiêm lại một mũi duy nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng nhắc lại ở Việt Nam rất rải rác, nhiều gia đình chủ quan không tiêm nhắc lại cho con và đa phần trẻ lớn mắc viêm não, viêm não Nhật Bản là do chưa được tiêm mũi vaccine nhắc lại.