Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy các chỉ số liên quan đến giáo dục, khoa học và công nghệ của Việt Nam bị xếp vào nhóm thấp nhất trên thế giới.
Tóm tắt một số chỉ số về giáo dục và khoa học. Số trong bảng là hạng được xếp trên 100 quốc gia. Thứ hạng càng thấp có nghĩa là chất lượng càng cao |
Nhóm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới công bố một báo cáo đánh giá và so sánh khả năng sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua báo cáo này, Việt Nam được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.
Chỉ trong nhóm “chớm nở”
Báo cáo của WEF sử dụng các tiêu chí trong chỉ tiêu "Drivers of Production", có thể hiểu là năng lực chủ động trong sản xuất. Chỉ tiêu này có 6 tiêu chí: Cách tân trong công nghệ, vốn nhân lực, đầu tư và thương mại toàn cầu, thiết chế xã hội, tài nguyên bền vững, môi trường.
Sau đó, WEF phân tích 6 “tiêu chuẩn” trên và gộp thành 2 yếu tố định hình một số quốc gia. Hai yếu tố đó là nền tảng sản xuất (quy mô lớn hay nhỏ) và năng lực chủ động trong sản xuất (cao hay thấp). Do đó, gộp lại có 4 nhóm quốc gia: Nhóm Leading (lãnh đạo): nền tảng sản xuất lớn và năng lực chủ động trong sản xuất cao; Nhóm High Potential (tiềm năng cao): nền tảng sản xuất lớn và năng lực chủ động trong sản xuất nhỏ/thấp; Nhóm Legacy (di sản): nền tảng sản xuất nhỏ và năng lực chủ động trong sản xuất cao; Nhóm Nascent (chớm nở): nền tảng sản xuất nhỏ và năng lực chủ động trong sản xuất nhỏ/thấp.
Việt Nam xếp vào nhóm "chớm nở" cùng với Campuchia, Pakistan, Mông Cổ, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Ethiopia… Nhóm "di sản" gồm có Thái Lan, Lithuania, Slovak, Nga, Hungary, Romania, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines. Nhóm "tiềm năng cao" bao gồm Úc, Hồng Kông, Na Uy, Liên bang Ả Rập, Qatar, New Zealand, và Bồ Đào Nha. Nhóm "lãnh đạo" bao gồm những cái tên quen thuộc mà đứng đầu là Mĩ. Kế đến là Singapore, Thuỵ Sĩ, Anh, Hà Lan, Đức, Canada, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Nhật, Bỉ, Áo, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc , Estonia, Ý, Ba Lan.
Chỉ số nào cũng thấp
Bảng dưới đây trích ra vài số liệu (thứ hạng tính trên 100 quốc gia) liên quan đến giáo dục và khoa học. Về phẩm chất đại học, Việt Nam đứng hạng 75/100 (thực ra, điểm là 0), trong khi đó Malaysia và Indonesia, thậm chí Philippines cũng hơn chúng ta về điểm này.
Điều ngạc nhiên nhất là phẩm chất giáo dục khoa học và toán của Việt Nam đứng hạng 68/100 (điểm chỉ 3.7), thấp hơn tất cả các nước cùng trình độ trong vùng như Thái Lan (hạng 66/100), Malaysia (16), Indonesia (35) và Philippines (60)! Điều này cho thấy điểm PISA của Việt Nam chẳng “cứu” được tình trạng chung.
Chỉ số bằng sáng chế thì chúng ta kém hơn các nước trong vùng. Tính đến nay, số bằng sáng chế USPTO của Việt Nam chỉ đếm đầu ngón tay. Riêng công bố khoa học thì nhờ sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nên tính trên dân số, Việt Nam cao hơn Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, về chỉ tiêu này, Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan và Malaysia. Hy vọng trong tương lai sẽ bắt kịp Thái Lan, nhưng chưa thể bắt kịp Malaysia.
Nói chung, những phân tích của WEF cho thấy ở hầu hết các chỉ số về khoa học, công nghệ, giáo dục, môi trường, đầu tư…, Việt Nam đều thấp so với các nước trong vùng. Do đó, họ xếp Việt Nam vào nhóm chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Quân đội Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong thời đại công nghiệp 4.0, hai yếu tố quyết định thành bại của một cuộc chiến là con người và vũ khí thì con ... |
Hiệu trưởng đại học nêu thách thức của Cách mạng 4.0 với cuộc sống
Ông Hồ Thanh Phong cho rằng du lịch, giao thông, y tế, giáo dục... sẽ đón nhận hàng loạt thời cơ và chịu thách thức ... |