Hiệu trưởng đại học nêu thách thức của Cách mạng 4.0 với cuộc sống

Ông Hồ Thanh Phong cho rằng du lịch, giao thông, y tế, giáo dục... sẽ đón nhận hàng loạt thời cơ và chịu thách thức lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 8/11, trong buổi báo cáo khoa học Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), Hiệu trưởng trường này - PGS.TS Hồ Thanh Phong chỉ ra hàng loạt những tác động, thách thức với cuộc sống.

PGS.TS Hồ Thanh Phong nói về Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động với cuộc sống. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo ông Phong, Cách mạng 4.0 liên quan Internet kết nối vạn vật, trong đó con người, máy móc, thiết bị và công việc được kết nối mọi nơi để sinh ra sản phẩm hay dịch vụ mới. Trong khái niệm mới này, nhà ở, trường học, nhà máy, doanh nghiệp, hệ thống logistics, cơ quan công quyền truyền thống được chuyển đổi thành đối tượng thông minh hơn.

Ông Phong dẫn lời của giáo sư Klaus Schwab (người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới) rằng: "Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống như bất cứ điều gì mà con người từng trải qua".

Theo tìm hiểu trên các báo cáo khoa học quốc tế, hiệu trưởng Đại học Quốc tế cho rằng, chưa đầy 10 năm nữa thế giới có những thành tựu công nghệ vượt bậc. Năm 2025, 10% người dân mặc các loại quần áo kết nối với Internet hay một nghìn tỷ cảm biến kết nối với Internet.

Thế giới sẽ có dược sĩ rôbôt đầu tiên ở Mỹ; người ta có thể xây nhà, sản xuất ôtô bằng công nghệ in 3D; chiếc điện thoại di động cấy ghép trên cơ thể người đầu tiên được thương mại hóa; chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn.

"Cách mạng 4.0 sẽ tác động với tất cả lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, nông nghiệp, quốc phòng... Sẽ có những thác thức, cơ hội nhưng không tránh khỏi tác động tiêu cực", ông Phong nhận định.

Trong lĩnh vực du lịch sẽ phát triển mạnh mô hình "kinh tế chia sẻ" - nơi tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, miễn phí hoặc có thu phí, dựa trên nền tảng công nghệ và Internet. Nó tương tự việc người ta đang chia sẻ xe hơi, khách sạn... bằng các dịch vụ tiện ích hiện nay.

Trong nông nghiệp, đầu ra sẽ xuất hiện nhiều thị trường mới với nhiều thách thức, cạnh tranh hơn khi người dân áp dụng nhiều thành phần công nghệ trong sản xuất như cảm biến kết nối vạn vật, tế bào quang điện, người máy, tế bào quang điện... Bối cảnh Việt Nam khi đó sẽ chịu áp lực của điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa", bản chất là lệch pha giữa cung và cầu.

Với lĩnh vực đô thị, ông Phong cho rằng mô hình thành phố thông minh và xử lý các vấn đề giao thông bằng các giải pháp thông minh là cần thiết. Tương tự, với y tế sẽ có những mô hình quản trị bệnh viện hiện đại hơn, xuất hiện bệnh viện ảo và nhiều nghiên cứu hơn về các căn bệnh thế kỷ như ung thư, tiểu đường, tim mạch...

Trung tâm điều khiển hệ thống giao thông thông minh được đặt tại Trung tâm điều hành Hầm vượt sông Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cuối cùng, trong lĩnh vực giáo dục, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho người lao động với hàng loạt đòi hỏi kỹ năng: sáng tạo, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đàm phán, linh động trong nhận thức... Từ đó, các đại học phải cạnh tranh nhau trong việc tạo ra sự khác biệt trong đào tạo, các giá trị cốt lõi, linh hoạt trong mọi hoạt động.

"Nếu như trước đây trọng tâm của giáo dục là có việc làm, tạo ra kiến thức, thì nay phải là sáng tạo và kiến tạo giá trị. Sản phẩm của giáo dục những năm trước là người lao động có kỹ năng, có kiến thức hay cao hơn là người tạo ra kiến thức thì sắp tới phải là những nhà sáng tạo và nhà khởi nghiệp", ông phân tích.

Ông Phong đưa ra giải pháp trước mắt, với công tác đào tạo, tất cả chức năng phải được số hóa, tích hợp và liên kết bằng công nghệ. Mỗi trường phải vạch ra chiến lược ứng phó với Cách mạng 4.0 với từng mức độ ưu tiên, đưa ra các đề án thí điểm và xác định các năng lực cần có.

Nhiều giảng viên sau khi nghe báo cáo đã có những phản biện với tác giả về sự chuẩn bị từng lĩnh vực của Việt Nam nhằm đón đầu thời cơ cũng như vượt qua những thách thức trên.

Một số giảng viên cho rằng, một nền tảng giáo dục vững chắc từ cấp phổ thông đến đại học mới tạo ra những người đủ trí tuệ, sức sáng tạo và kỹ năng cần thiết để hòa nhập thế giới trong Cách mạng 4.0.

4.0 có đe dọa việc làm của người lao động ngành dệt - may?

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cách mạng 4.0 tác động sâu sắc đến các ngành sản xuất chủ lực ...

TS Lê Thẩm Dương: \'Sinh viên phải tự hướng nghiệp, ai khôn thì người đó sống\'

TS Lê Thẩm Dương thẳng thắn chia sẻ: “Các bạn phải tự hướng nghiệp, ai “khôn thì người đó sống” bởi vì trong thời đại ...

Chủ tịch REE: Việt Nam mới ở \'cách mạng 2.0\'

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng cách mạng 4.0 chưa ảnh hưởng đến công nghiệp Việt Nam và trước tiên cần làm tốt 3.0 ...

(https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hieu-truong-dai-hoc-neu-thach-thuc-cua-cach-mang-4-0-voi-cuoc-song-3667579.html)

/ Theo Mạnh Tùng/VnExpress.net