Vì sao Việt Nam không phạt vụ Grab mua Uber như các nước?

Cơ quan điều tra cạnh tranh được cho là đã xác định sai đối tượng khi điều tra vụ Grab mua lại Uber ở Việt Nam. 

Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia mới đây đưa ra phán quyết phản bác lại kết luận của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Theo đó, Hội đồng khẳng định giao dịch Grab mua lại Uber ở Việt Nam không đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế. Với kết luận này, Grab không vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trong khi đó, ở một số thị trường, 2 doanh nghiệp này đã phải chịu mức phạt khá cao. Tại Singapore, Grab và Uber bị phạt 9,1 triệu USD; còn Cơ quan Quản lý cạnh tranh Phillippines cũng tuyên phạt 16 triệu Peso (gần 300.000 USD).

vi sao viet nam khong phat vu grab mua uber nhu cac nuoc

Điều tra sai đối tượng

Theo báo cáo điều tra, GrabTaxi cung ứng dịch vụ trung gian kết nối vận tải trên nền tảng phần mềm của Grab, tương tự với Uber. Vì vậy, nhóm điều tra viên tập trung điều tra vào thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe và tài xế với ôtô dưới 9 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, theo Hội đồng xử lý cạnh tranh, dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách trên nền tảng phần mềm, qua tổng đài có đặc tính giống và có thể thay thế cho nhau. Nói cách khác, phần mềm ứng dụng kết nối vận tải của Grab, Uber có thể thay thế bằng phương thức kết nối vận tải hành khách qua tổng đài của doanh nghiệp taxi truyền thống. Ngoài Grab, Uber thì trên thị trường còn có hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải hành khách dưới 9 chỗ trên nền tảng phần mềm, tổng đài tại Hà Nội và ở TP HCM là 23 đơn vị. Như vậy, thị trường liên quan trong vụ việc là thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe trên nền tảng phần mềm và tổng đài tại Hà Nội, TP HCM.

Mặt khác, đại diện Uber Việt Nam khẳng định, công ty không và chưa bao giờ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải ở Việt Nam. Thay vào đó doanh nghiệp này chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ (marketing, điều tra, khảo sát thị trường...) cho công ty mẹ - Uber B.V.

"Đây là các dịch vụ thông thường, ngoài Uber Việt Nam còn nhiều công ty khác có thể cung cấp cho Công ty Uber B.V dịch vụ loại này. Vì thế, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhắm đến sai đối tượng khi thực hiện cuộc điều tra", đại diện Uber Việt Nam khẳng định.

Và thị phần kết hợp được cơ quan quản lý cạnh tranh xác định gồm thị phần của GrabTaxi, nhóm doanh nghiệp liên kết phía Uber gồm Công ty TNHH Uber Việt Nam và Uber B.V.

Năm 2017, thị phần kết hợp trên thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe và tài xế trên nền tảng phần mềm và tổng đài tại Hà Nội là 44,1%, còn tại TP HCM là 82,68%.

Phản biện về con số này, GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của GrabTaxi và Uber trên từng thị trường liên quan đều thấp hơn 20%. Cụ thể, năm 2016 thị phần này tại Hà Nội gần 4%, còn TP HCM trên 4,1%. Năm 2017 tỷ lệ thị phần kết hợp lần lượt là 11,42% và 15,64%.

Còn theo Uber Việt Nam, trong một thị trường hẹp gồm doanh nghiệp taxi và dịch vụ gọi xe, thị phần kết hợp các bên dưới 30%. Chưa kể, trong quá trình điều tra, các điều tra viên của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng đã không làm việc với Uber B.V, nên công ty không có điều kiện cung cấp các chứng cứ có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tranh cãi xung quanh hợp đồng chuyển nhượng của Grab và Uber

Báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh quốc gia cho biết, sau giao dịch Grab mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á, Công ty GrabTaxi (49% vốn của Grab) và Công ty Uber Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ. Cụ thể, Uber Việt Nam bán lại các tài sản, hoạt động kinh doanh và các lợi ích khác tại Việt Nam cho GrabTaxi. Sau đó GrabTaxi đã phát hành hối phiếu nhận nợ gần 38 tỷ đồng cho Uber Việt Nam và tiếp nhận một số tài sản, hợp đồng từ Uber Việt Nam sang.

Còn kết quả điều tra bổ sung của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cuối tháng 11/2018 xác định Grab mua lại Uber ở Đông Nam Á thông qua hợp đồng mua bán chung, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ. Bản chất của hợp đồng chuyển nhượng là chuyển giao tài sản, nghĩa vụ (mua bán tài sản), nên giao dịch Grab mua lại Uber không phải là giao dịch mua cổ phần, nhưng Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber.

"Sau giao dịch này Grab kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Việt Nam và nhận được các lợi ích kinh tế từ hoạt động này, cụ thể là phần lời từ tiền thu chiết khấu của lái xe, người đi xe", cơ quan quản lý cạnh tranh nêu quan điểm. Vì lẽ đó cơ quan này xác định Grab mua Uber là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia, GrabTaxi không tham gia quản lý Uber Việt Nam, không chiếm bất kỳ tỷ lệ quyền bỏ phiếu nào trong các cơ quan quản lý của Uber Việt Nam. Vì thế, việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến việc GrabTaxi kiểm soát, chi phối hoạt động của Uber Việt Nam.

Nghiên cứu tài liệu, hồ sơ vụ việc Hội đồng Cạnh tranh quốc gia nhận thấy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Uber Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng không trực tiếp quản lý, vận hành ứng dụng Uber.

"Quan hệ mua bán chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Uber Việt Nam không đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế", Hội đồng Cạnh tranh quốc gia kết luận.

Hội đồng cạnh tranh yêu cầu Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng phải chịu mức phí xử lý vụ việc là 100 triệu đồng. Với vai trò chủ quản, Bộ Công Thương sẽ giao Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng nghiên cứu, đánh giá các lập luận của Hội đồng xử lý trong từng nội dung của quyết định xử lý.

Anh Minh

vi sao viet nam khong phat vu grab mua uber nhu cac nuoc Mua lại Uber, Grab được tuyên "vô tội"

Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã quyết định không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng ...

vi sao viet nam khong phat vu grab mua uber nhu cac nuoc Bị phạt triệu USD ở các nước, Grab được 'tuyên vô tội' tại Việt Nam

Hội đồng Xử lý vụ cạnh tranh liên quan đến việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam vừa đưa ra quyết định cuối cùng. ...

/ VnExpress