Vì sao Việt Á sẵn sàng chi hàng triệu USD cho loạt cựu lãnh đạo ngành y?

Sẵn sàng bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để chi cho nhiều cá nhân tại Bộ Y tế và các địa phương, Phan Quốc Việt nói lý do đây là sự chia sẻ, cảm ơn họ đã giúp Việt Á được cấp phép bộ kit.

Kit test Covid-19 do ai nghiên cứu, sản xuất?

Chiều 3/1, sau khoảng ba giờ đại diện Viện Kiểm sát công bố xong cáo trạng, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội bắt đầu phần xét hỏi các nội dung liên quan đến đại án Việt Á.

Tổng giám đốc công ty này là Phan Quốc Việt khai, năm 2007, bị cáo thành lập Công ty Việt Á và một số doanh nghiệp khác. Việt điều hành toàn bộ doanh nghiệp này, trong đó Việt Á hoạt động chuyên sản xuất, mua bán sinh phẩm, trang thiết bị y tế.

viet-17042754462292112375997 (1)
Phan Quốc Việt tại phiên tòa ngày 3/1.

Khoảng tháng 2/2020, Việt nghe ông Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH&CN gọi điện thoại nhờ Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu sản xuất kit test Covid với Học viện Quân y.

"Lúc đó, anh Hùng nói cần Việt Á tham gia bởi duy nhất có Việt Á được Bộ Y tế cấp phép và tình hình chống dịch đang cấp bách, Phan Quốc Việt khai.

Sau khi tham gia đề tài, Học viện Quân y chuyển giao cho Việt Á một số tài liệu về quy trình nghiên cứu bộ kit xét nghiệm. Tiếp đó, Việt Á sẽ tối ưu để sản xuất ra thành phẩm là bộ kit. Sau khoảng nửa tháng, ngày 14/2/2020, Việt Á cho ra bộ kit này.

Khi chủ tọa truy vấn về nguồn gốc kit test, ông chủ Việt Á trình bày: "Kit là sản phẩm do Học viện Quân y chuyển giao quy trình, sau đó Việt Á tối ưu ra sản phẩm". Quá trình thực hiện, công ty này nhận 1 tỷ đồng tiền công cùng số nguyên vật liệu tổng trị giá khoảng 8-9 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 2, khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm nghiệm kit và cho kết quả đạt, Bộ KH&CN đã nghiệm thu đề tài giai đoạn 1. Từ đây, Phan Quốc Việt mang kit đến Bộ Y tế cấp phép tạm thời vào ngày 8/3/2020.

Tiếp đó, với mục đích bộ kit được cấp phép chính thức để lưu hành, Phan Quốc Việt nhờ ông Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long) tác động đến các đơn vị thuộc Bộ Y tế, trong đó có Vụ Trang thiết bị và công trình y tế để kit được nhanh chóng cấp phép.

Đến ngày 4/12/2020, kit test Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép chính thức. Theo cáo buộc, sau khi biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của Việt Á, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên bán thương mại nhằm thu lời bất chính.

Lý do Việt Á chịu chi hàng triệu USD cho loạt quan chức

Cũng trong phần xét hỏi kéo dài suốt 90 phút, Phan Quốc Việt cho biết quá trình tham gia tối ưu bộ kit xét nghiệm và được cấp phép chính thức, bị cáo đã chi hàng triệu USD cho nhiều cựu quan chức, lãnh đạo ngành y tế và các đơn vị khác.

Theo đó, sau khi được Trịnh Thanh Hùng giúp Việt Á tham gia đề tài, Việt đã có hai lần đưa cho ông Hùng tổng cộng 350.000 USD.

"Đây là sự chia sẻ bởi anh Hùng là người rất có trách nhiệm, nhiều đêm hối thúc bị cáo nhanh chóng tối ưu cho ra bộ kit", Phan Quốc Việt khai lý do đưa tiền cho cựu Vụ phó Trịnh Thanh Hùng.

bi-cao-1704275474262697937847
Trong 38 bị cáo hầu tòa, 8 người được tại ngoại.

Tổng giám đốc Việt Á còn khai hai lần đưa cho ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) tổng số tiền 200.000 USD. "Vì sao bị cáo đưa tiền cho bị cáo Trịnh?", chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời, Việt cho biết ông Trịnh đã "nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ bộ kit nhanh chóng được cấp phép".

Đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh, Việt khai đưa cho ông này 4 lần tổng cộng hơn 2,2 triệu USD và 4 tỷ đồng. Trong đó, Việt nhờ Huỳnh đưa cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt, lúc đó ông Huỳnh nhờ Việt hỗ trợ và nói rằng: "Sếp có một số công việc cần hỗ trợ, nên bị cáo đưa tiền cho anh Huỳnh". Về nguồn gốc hàng triệu USD chi cho các cá nhân trên, Việt nói do anh ta mượn tiền mặt của bạn bè, người quen rồi đổi sang USD với mục đích "tiền USD cho nhanh gọn".

Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn khai đã chi cho ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó của Bộ Y tế) 100.000 USD.

"Bị cáo cũng đưa cho Chu Ngọc Anh 200.000 USD và Phạm Công Tạc 50.000 USD", Tổng giám đốc Việt Á khai rành rọt trước tòa sơ thẩm.

Đối với loạt bị cáo tại Hải Dương, Phan Quốc Việt khai đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD vào dịp tết Nguyên đán.

Còn với cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, ông chủ Việt Á khai đã đưa 27 tỷ đồng và nói lý do đưa tiền: "Đây là khoản mà bị cáo chia sẻ với địa phương, không phải chi riêng cho bị cáo Tuyến".

Hoàng Lam / Báo Giao thông