Vì sao TP Hồ Chí Minh thiếu nhiều giáo viên nhưng khó tuyển

Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2022 - 2023, thành phố cần tuyển khoảng 5.200 giáo viên (GV), trong đó Mầm non cần 892, tiểu học cần 2.355, THCS 1.698 và THPT 296. Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Một nghịch lý đang xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, đó là thiếu trầm trọng nguồn tuyển GV tiếng Anh”. Đây được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần khắc phục trong năm học mới.

Lý do nhiều GV tiếng Anh từ chối vào trường công

Ông Hồ Tấn Minh cho biết, một trong những lý do đó là nhiều giáo sinh được đào tạo chuyên môn tại ĐH Sư phạm nhưng khi ra trường, nhiều người đã nghiêng về lựa chọn cơ sở giáo dục ngoài công lập hơn. Tình hình này tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh.

Vì sao TP Hồ Chí Minh thiếu nhiều giáo viên nhưng khó tuyển -0
Một trong hai nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo  dục TP Hồ Chí Minh trong năm học mới, đó là tình trạng bổ sung kịp thời nguồn giáo viên tiếng Anh cho học sinh phổ thông.

Một GV tiếng Anh dạy trường THCS tư thục thuộc quận 12 cho biết, mức lương cơ bản khi mới vào dạy học cô được hưởng khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay là 5,5 triệu đồng/tháng, số tiết phải dạy trung bình 135 tiết/tháng. Nếu kiêm nhiệm thêm vị trí GV chủ nhiệm hay trưởng bộ môn thì được cộng thêm 1 triệu, thu nhập sẽ là: 6,5 triệu/tháng. Ngoài ra, để được tăng lương thì theo quy định của ngành Giáo dục, phải tham gia công tác từ 3 năm liền và không được vi phạm bất cứ quy định quy chế của ngành, chỉ cần đi trễ 1 lần là bị trừ điểm.

Khi thi vào hệ thống trường công lập còn phải trải qua kỳ thi công chức khốc liệt để được lựa chọn, đòi hỏi phải có kiến thức, bằng cấp đáp ứng, khả năng giảng dạy và đạo đức phải tốt…Nhìn chung, việc vào dạy hệ thống trường công chủ yếu để duy trì sự bình ổn trong công việc và cho đến khi nghỉ hưu sẽ có tiền lương hưu. Còn thu nhập sẽ không thể bằng bên ngoài hệ thống tư thục.

Một GV tiếng Anh khác đang dạy tại một trường trung cấp nghề thuộc quận 5 TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tại trường trung cấp nghề, quy định 1 tiết là 60 phút chứ không phải là 45 phút như dạy hệ phổ thông. Nếu có trình độ Cử nhân sẽ được trả thù lao 35.000 đồng/tiết. Dạy 3 tiết được tính thù lao tương đương 2 tiết: tức là 70.000 đồng. GV này nói: “Nếu “cày” tối đa 1 năm khoảng 400 tiết X 35.000 đồng/tiết thì thu nhập cũng khoảng 14 triệu/tháng. Tuy nhiên, nhà trường cũng “khống chế” 400 tiết là mức trần số tiết tối đa, vì sẽ không ảnh hưởng tới tổng chi phí chi trả của nhà trường”.

Tham khảo, một cô giáo cho biết, tuỳ theo số tiết tham gia dạy trong 1 tháng mà GV tiếng Anh tại trung tâm có mức thu nhập khác nhau. Trung tâm trả từ 100.000 tới 250.000 đồng/giờ tuỳ từng cấp độ. Nếu GV có trình độ Cao đẳng dạy lớp Anh văn Thiếu nhi thì mức trả sẽ là 100.000 đồng tới 150.000 đồng/ giờ. Nếu GV có bằng Cử nhân tiếng Anh sẽ được áp dụng mức thù lao từ 120.000 đồng tới 180.000 đồng/giờ.  Tuỳ theo các cấp độ và tuỳ vào điều kiện GV giảng dạy tại Trung tâm có mức lương thu nhập từ 10 tới 15 triệu /tháng. Dạy nhiều có thể  thu nhập 18-20 triệu/tháng.

Tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển giáo viên

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, công tác tuyển dụng giáo viên các bộ môn tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật gặp nhiều khó khăn do không có người ứng tuyển. Nhằm tháo gỡ các khó khăn đó, năm học 2022-2023, toàn thành phố ngoài việc đưa vào sử dụng thêm hơn 1.000 phòng học mới, thì những địa phương chưa đủ điều kiện tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đều nỗ lực sắp xếp, bố trí phương án học tập phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tới đây, ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút giáo viên, góp phần triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2022, Sở GD&ĐT thành phố sẽ thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức để kịp thời phân công các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ trước khi bắt đầu năm học mới. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Hiện, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ và tình hình thực tế làm cơ sở xác định nhu cầu về tuyển dụng mới viên chức.

Dự kiến trong tháng 10/2022, sau khi các đơn vị đã ổn định sĩ số học sinh và số lớp, từ đó xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng giáo viên, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thêm đợt 2 tuyển dụng viên chức để bổ sung nhân sự cho các trường học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong năm học mới 2022-2023, hai vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Đó là một số quận/huyện phải sắp xếp phòng học giải quyết việc học 2 buổi/ngày cho học sinh và để việc học đạt chuẩn. Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là học sinh tiểu học phải được học 2 buổi/ngày. Vấn đề thiếu GV tiếng Anh, GV các môn nghệ thuật thì hiện cả 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đều đang tiến hành tuyển dụng GV. Nguồn GV khối THPT đã ổn. Chỉ khó ở khối Tiểu học rất thiếu GV tiếng Anh, GV nhạc hoạ. Phòng Giáo dục các địa phương đang tiến hành sắp xếp nhận GV thỉnh giảng, ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với các GV đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu giảng dạy của bậc học, đảm bảo đủ GV lên lớp giảng đủ nội dung cho học sinh, đảm bảo kế hoạch học tập 2022-2023 đã đưa ra”.

https://cand.com.vn/giao-duc/vi-sao-tp-ho-chi-minh-thieu-nhieu-giao-vien-nhung-kho-tuyen-i664815/

Huyền Nga / Công an nhân dân