Vì sao tân Giáo hoàng chọn tên Leo XIV?

Lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội, một người Mỹ đảm nhận ngôi vị tối cao và thông điệp kết nối được sẽ thể hiện như thế nào qua tên gọi Leo XIV.

Ngày 8/5, Giáo hội Công giáo đã chứng kiến một cột mốc lịch sử khi Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng thứ 267, lấy hiệu là Leo XIV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội, một người Mỹ đảm nhận ngôi vị tối cao này. Sự kiện không chỉ gây bất ngờ mà còn mang đến nhiều kỳ vọng về một Giáo hội gần gũi, đối thoại và hướng đến công bằng xã hội.

Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng thứ 267, lấy hiệu là Leo XIV.

Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng thứ 267, lấy hiệu là Leo XIV.

Từ Chicago đến Tòa Thánh Vatican

Giáo hoàng Robert Francis Prevost sinh năm 1955 tại Chicago, Hoa Kỳ, trong một gia đình gốc Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Toán học tại Đại học Villanova năm 1977, ông gia nhập Dòng Thánh Augustinô và được thụ phong linh mục năm 1982. Ông tiếp tục học tập tại Rôma, nhận bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas.

Với tinh thần truyền giáo, ông đã dành nhiều năm phục vụ tại Peru, đặc biệt là tại giáo phận Chiclayo, nơi ông trở thành giám mục từ năm 2015 đến 2023. Năm 2024, ông được Giáo hoàng Francis phong Hồng y và bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục, phụ trách việc bổ nhiệm giám mục toàn cầu.

Giáo hoàng lấy tên Leo XIV mang ý nghĩa gì?

Leo hiện đang là cái tên phổ biến thứ tư được các giáo hoàng chọn nhưng thế giới công giáo đã không có Giáo hoàng Leo trong hơn một thế kỷ.

Trong cuộc họp báo hôm 8/5 sau Mật nghị, người phát ngôn của Vatican, Matteo Bruni cho biết việc lựa chọn tên này “là một sự ám chỉ rõ ràng đến học thuyết xã hội hiện đại của Giáo hội, bắt đầu với Rerum Novarum”.

 

Ông Bruni cho biết cái tên Leo là sự ám chỉ có chủ đích đến “đàn ông, phụ nữ, công việc của họ và những người lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, dường như muốn liên kết tốc độ thay đổi công nghệ của thời đại hiện tại với thế kỷ XIX.

Tên Leo bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “sư tử”, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Trong bài phát biểu từ ban công, Leo XIV cho biết giáo hội vẫn có thể nghe thấy “tiếng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm của Giáo hoàng Francis”, người tiền nhiệm của ngài.

Việc chọn tên hiệu "Leo XIV" gợi nhớ đến Giáo hoàng Leo XIII, người nổi tiếng với thông điệp Rerum Novarum năm 1891, ủng hộ quyền lợi người lao động và công bằng xã hội. Điều này cho thấy tân Giáo hoàng có thể sẽ tiếp tục di sản của Giáo hoàng Francis trong việc thúc đẩy công bằng xã hội và cải cách Giáo hội.

Thông điệp đầu tiên về hòa bình và đối thoại

Trong bài phát biểu đầu tiên từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Leo XIV mở đầu bằng lời chào: "Bình an cho tất cả anh chị em". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một Giáo hội "đồng hành", "luôn tìm kiếm hòa bình và tình thương", và "gần gũi với những ai đau khổ". Ông cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với người tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis, và cam kết tiếp tục sứ mệnh của ngài.

Thế giới hân hoan và kỳ vọng

Việc bầu chọn một người Mỹ làm Giáo hoàng đã gây bất ngờ và nhận được nhiều phản ứng tích cực trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "một vinh dự lớn lao" và mong muốn sớm gặp Giáo hoàng Leo XIV.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng gửi lời chúc mừng đến "người đồng hương Chicago". Lãnh đạo các quốc gia khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đều bày tỏ hy vọng rằng tân Giáo hoàng sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình, công lý và đối thoại liên tôn giáo.

https://vtcnews.vn/vi-sao-tan-giao-hoang-chon-ten-leo-xiv-ar942252.html

Cẩm Lai(Nguồn: CNN, Reuters, AP) / VTC News