Vì sao nước Mỹ đang 'chảy máu chất xám'?

Nhiều học giả và nhà khoa học đang rời Mỹ do bất ổn chính trị, cắt giảm ngân sách nghiên cứu và môi trường học thuật suy thoái

Trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ là điểm đến hàng đầu của giới học thuật toàn cầu. Các trường đại học danh tiếng, chính sách mở cửa, và nguồn tài trợ dồi dào đã giúp Mỹ giữ vững vị trí là trung tâm của đổi mới khoa học và tư tưởng. Thế nhưng, viễn cảnh đó đang thay đổi nhanh chóng. Một làn sóng “chảy máu chất xám” đang âm thầm nhưng mạnh mẽ diễn ra, khi ngày càng nhiều học giả, nhà khoa học và giảng viên Mỹ tìm đường rời khỏi đất nước của mình.

75% nhà khoa học cân nhắc rời đi

Trong một cuộc khảo sát do tạp chí khoa học Nature thực hiện từ tháng 3/2025, hơn 75% trong số 1.600 nhà nghiên cứu tại Mỹ cho biết họ đang cân nhắc chuyển ra nước ngoài để làm việc. Nguyên nhân chính là bởi các chính sách mới dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, được xem là đang tấn công trực diện vào giáo dục đại học và tự do học thuật.

Đáng chú ý, trong số 690 nhà nghiên cứu sau đại học tham gia khảo sát, có đến 548 người cho biết họ đang tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Tương tự, 255 trong số 340 nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng bày tỏ mong muốn rời Mỹ. Những điểm đến được ưa chuộng bao gồm Canada, các nước Tây Âu, và thậm chí cả Trung Quốc – nơi đang nỗ lực thu hút nhân tài bằng các chính sách hấp dẫn.

Nhiều học giả tại Đại học Yale đã quyết định rời Mỹ do lo ngại bất ổn chính trị. (Ảnh: Đại học Yale)

Nhiều học giả tại Đại học Yale đã quyết định rời Mỹ do lo ngại bất ổn chính trị. (Ảnh: Đại học Yale)

Sự rời đi không chỉ giới hạn ở các nhà khoa học trẻ. Một số học giả tên tuổi tại các trường đại học danh giá cũng đang rời Mỹ vì lý do chính trị.

Giáo sư Jason Stanley – tác giả cuốn How Fascism Works – là một trong những người đầu tiên công khai quyết định rời Đại học Yale để chuyển sang làm việc tại Trường Chính sách Công và Các vấn đề Toàn cầu Munk thuộc Đại học Toronto, Canada. Trong cuộc phỏng vấn với Daily Nous, ông Stanley nhấn mạnh: “Quyết định của tôi hoàn toàn vì bầu không khí chính trị hiện tại ở Mỹ.”

Hai giáo sư sử học khác tại Yale – ông Timothy Snyder và bà Marci Shore – cũng tuyên bố chuyển sang làm việc tại Canada. Bà Shore thẳng thắn bày tỏ lo ngại: “Tôi cảm nhận rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ còn tồi tệ hơn. Các cơ chế kiểm soát quyền lực đã bị tháo bỏ”.

Khi học thuật không còn là vùng an toàn

Bên cạnh cảm giác bất ổn, nhiều nhà khoa học còn đối mặt với sự kiểm duyệt và áp đặt trong nghiên cứu. Theo nhà sinh học tiến hóa Carol Lee, những từ khóa như “diversity” (đa dạng), “women” (phụ nữ), “LGBTQ” giờ đây không được chấp nhận trong hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu – một phần trong nỗ lực loại bỏ cái gọi là “wokeism” khỏi hệ thống giáo dục và khoa học Mỹ.

 

“Có rất nhiều từ chúng tôi không còn được phép sử dụng. Mọi thứ đang bị kiểm duyệt", – Carol Lee, nhà nghiên cứu sinh học, chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, hệ thống phân bổ ngân sách nghiên cứu – từng được đánh giá cao về tính minh bạch và cạnh tranh – nay bị chính trị hóa mạnh mẽ. Các cơ quan như Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Viện Y tế Quốc gia (NIH), Chương trình Fulbright… đều hứng chịu cắt giảm và bị định hướng về nội dung tài trợ.

Những nhà nghiên cứu nhập cư, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng học thuật tại Mỹ, cũng cảm thấy bất an. Một nhà nhân học (ẩn danh) cho biết lo ngại bị trục xuất nếu phát biểu chống lại chính phủ.

Sử gia Brian Sandberg trả lời báo chí sau khi quyết định rời Mỹ tới Đại học Aix-Marseille. (Ảnh: The Guardian)

Sử gia Brian Sandberg trả lời báo chí sau khi quyết định rời Mỹ tới Đại học Aix-Marseille. (Ảnh: The Guardian)

Trong trường hợp của sử gia Brian Sandberg, khi trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Pháp, ông lại lo sợ bị giữ lại tại sân bay chỉ vì các phát biểu của mình trước báo chí Pháp. Ông Sandberg sau đó đã ứng tuyển vào chương trình “Safe Place for Science” (Nơi an toàn cho khoa học) của Đại học Aix-Marseille – một sáng kiến của Pháp dành cho các nhà khoa học Mỹ chịu ảnh hưởng bởi chính trị.

Theo James – một nhà nghiên cứu khí hậu – điều này phản ánh xu hướng phản trí thức đang ngày càng lên ngôi tại Mỹ.

Châu Âu, Canada mở rộng vòng tay

Trong bối cảnh giới khoa học Mỹ mất dần niềm tin vào tương lai, các quốc gia khác đang tận dụng cơ hội để thu hút nhân tài. Theo đó, chương trình "Safe Place for Science" của Đại học Aix-Marseille nhận được hơn 300 đơn đăng ký chỉ trong vài tuần. Đối tượng bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale, Columbia, Stanford và cả NASA.

Hiệu trưởng trường – ông Éric Berton – ví chương trình này như một “sự đảo chiều đau lòng của lịch sử”, khi các nhà khoa học Mỹ giờ đây phải tìm kiếm nơi trú ẩn tại châu Âu, giống như cách Mỹ từng đón các trí thức châu Âu trong Thế chiến II.

Ông Éric Berton, hiệu trưởng Đại học Aix-Marseille (Pháp). (Ảnh: The Guardian)

Ông Éric Berton, hiệu trưởng Đại học Aix-Marseille (Pháp). (Ảnh: The Guardian)

Không riêng gì Pháp, Liên minh châu Âu cũng công bố gói tài trợ 500 triệu euro để biến lục địa này thành “nơi trú ẩn an toàn cho nghiên cứu”.

Trong khi đó, Chính phủ Canada, đặc biệt là tỉnh Quebec, cũng đang chủ động mời gọi các học giả Mỹ đến làm việc, xem đây là “cơ hội để tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu về nghiên cứu”.

Nếu chính sách hiện tại không được điều chỉnh, Mỹ có thể mất đi thế hệ học giả tiếp theo - những người không còn cảm thấy an toàn để cống hiến và nghiên cứu ngay tại quê hương của mình.

 

https://vtcnews.vn/vi-sao-nuoc-my-dang-chay-mau-chat-xam-ar954830.html

Kông Anh / VTC News