Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm?


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá ngoại giao vaccine Covid-19 giúp Việt Nam tiếp nhận hơn 80 triệu liều, song việc tiếp cận vaccine Covid-19 ở Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, việc tiếp cận vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn.

Thời gian qua với nỗ lực lớn trong chiến lược vaccine, đặc biệt là tích cực thực hiện ngoại giao vaccine, Việt Nam đã tiếp nhận lượng lớn vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu ra 3 khó khăn chính khiến nguồn cung vaccine phòng COVID-19 khan hiếm.

Khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn.

Thứ hai là khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm?

Thứ ba là các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, do đó có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo.

"Ngay như trong tháng 10 này mặc dù chúng ta có kế hoạch tiếp nhận vaccine với số lượng lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện đã giữa tháng 10, nhưng mới chỉ nhận được lượng vaccine đạt 20% so với kế hoạch"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Theo thống kê, đến chiều ngày 13/10, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toàn quốc là 56.330.750 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 39.837.150 liều, tiêm mũi 2 là 16.493.600 liều.

Liên quan đến tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã liên tục có các chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Việt Nam đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tại hơn 12.000 điểm tiêm ở tất cả các tỉnh, thành phố, bao gồm cả điểm tiêm cố định và lưu động. Bộ Y tế đã liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị trực tuyến, kiểm tra giám sát với các địa phương để đôn đốc triển khai chiến dịch tiêm chủng trên nguyên tắc đẩy nhanh bao phủ mũi 1, vaccine nào về thì tổ chức triển khai tiêm ngay, sau đó trả bù mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến thời hạn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tốc độ tiêm vaccine quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường, do đó Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng. Nếu địa phương nào tiêm chủng chậm thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine đến địa phương có tốc độ tiêm đảm bảo yêu cầu.

PV (th)

Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19 Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19
Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ra sao? Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ra sao?
Các nước tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ thế nào? Các nước tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ thế nào?

/ Nghề nghiệp và cuộc sống