Vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?

Dù đã lập đông được gần 1 tuần nhưng miền Bắc vẫn nắng nóng như mùa hè, nhiệt độ cao nhất có nơi lên tới 31-32 độ C, trời oi nóng, ngột ngạt.

Theo lịch vạn niên, năm nay lập đông bắt đầu từ ngày 7/11. Trước đó vào thời điểm cuối thu, miền Bắc đã đón nhiều đợt không khí lạnh, miền núi có thời điểm trời rét về đêm và sáng, trung du ven biển đêm và sáng trời lạnh.

Tuy nhiên, gần 1 tuần sau ngày lập đông, thời tiết ban ngày ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc nắng mạnh như mùa hè, nhiệt độ cao nhất có nơi lên tới 31-32 độ C, cảm giác oi bức, ngột ngạt.

Biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua tại Hà Nội. (Nguồn: NCHMF)

Biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua tại Hà Nội. (Nguồn: NCHMF)

Theo biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ ngày lập đông tới nay, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội 31 độ C, ghi nhận lúc 16h ngày 10/11 và 13h ngày 11/11. Ngày 9 và 12/11, nhiệt độ cao nhất 30 độ C.

Hôm nay, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội có nơi trên 32 độ C. Một số địa phương khác như Hoà Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng ghi nhận mức nhiệt 32-33 độ C. 

Lý giải về những thay đổi của thời tiết, ông Nguyễn Hồng Sinh - Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn TP Hải Phòng cho biết, những ngày qua, khối không khí lạnh lục địa với bản chất là lạnh và khô đang trong quá trình suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục chi phối miền Bắc. Diễn biến xu thế trên ảnh hưởng thời tiết trong thời điểm này.

"Trời giảm mây, Mặt Trời chiếu xuống khiến nóng về ban ngày. Ban đêm, trời quang mây, hiện tượng phát xạ nhiệt diễn ra làm cho nhiệt độ giảm, dẫn đến biên độ nhiệt ngày và đêm khá cao, lên đến cả 10 độ C. Chính vì vậy, ban đêm ở Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung trời chuyển lạnh, có nơi rét, ban ngày trời nắng. Tại Hải Phòng, những ngày qua cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất 31-32 độ C", ông Sinh nói.

Vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè? - 2
 

Cùng bàn về vấn đề này, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho hay, trên Biển Đông những ngày qua dồn dập bão đổ bộ. Khi hình thành những cơn bão như vậy, nguồn nhiệt kể cả nguồn nhiệt tự nhiên trên vùng Bắc Biển Đông tương đối cao so với bình thường.

"Những cơn bão hình thành sẽ tạo điều kiện toả thêm một nguồn nhiệt vào bầu khí quyển xung quanh đường đi của cơn bão. Vì vậy, miền Bắc những ngày vừa qua khá quang mây, bức xạ nhiệt ban ngày tương đối cao, ban đêm giảm. Điều này cũng lý giải trước bão trời thường oi", bà Lan phân tích.

Ngoài ra, những ngày qua, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội tương đối cao. Tình trạng ô nhiễm khiến bầu không khí ngột ngạt, khó chịu hơn và cũng giữ nguồn nhiệt trong bầu khí quyển.

Đã bước vào mùa đông, nhưng nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội mấy ngày qua đều vượt ngưỡng 30 độ C. (Ảnh: Viên Minh)

Đã bước vào mùa đông, nhưng nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội mấy ngày qua đều vượt ngưỡng 30 độ C. (Ảnh: Viên Minh)

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, trong vòng 1 tháng tới, hoạt động của không khí lạnh có thể yếu hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C. 

Khoảng 17-18/11, một đợt không khí lạnh khả năng tăng cường trở lại miền Bắc.

Rét đậm, rét hại tại khu vực này sẽ xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12, giống như các năm trước. Người dân cần đề phòng những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này.

"Năm nay rét đến muộn, mùa đông sẽ lặp lại tiết trời có lúc trời rét đậm, có nơi rét hại nhưng rét đậm, rét hại không kéo dài quá lâu trong mỗi đợt, nhiệt độ không giảm quá thấp.

Thậm chí, những vùng núi cao như Fansipan, Sìn Hồ, Mẫu Sơn, Sa Pa... tình trạng băng giá có nhưng xảy ra từng đợt không kéo dài lâu. Nhiệt độ có thể xuống -1, -2 độ C ở Fansipan, băng giá và tuyết rơi nhẹ nhưng ít đợt hơn và thời gian ngắn hơn",  chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan dự báo.

https://vtcnews.vn/vi-sao-lap-dong-mien-bac-van-nong-nhu-mua-he-ar906969.html

Nguyễn Huệ / VTC News