Vì sao Geleximco muốn bắt tay doanh nghiệp Trung Quốc?

Một khi hai đối tác có quan hệ làm ăn lâu dài, đã vào guồng với nhau rồi thì các vấn đề về định mức chi phí, ăn chia cũng dễ hơn.

Quan hệ tốt và mối lợi

Đại gia Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco vừa đề xuất bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc làm sân bay Long Thành.

Lý do mà ông Tiền đưa ra là Tập đoàn Geleximco có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng như một số Quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc; Công ty TNHH CP Đầu tư Dân sinh (Trung Quốc) và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hồng Kông như IDG…

Trước đó, vào tháng 10/2016, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding (HUI) cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép được tham gia đầu tư một loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Bắc- Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP.HCM- Khánh Hòa; Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam; Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Lý giải lý do đại gia Vũ Văn Tiền muốn hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, Geleximco với tập đoàn Trung Quốc đã có mối quan hệ làm ăn tương đối lâu dài, do đó họ khá hiểu biết về nhau và có quan hệ qua lại.

Hơn nữa, theo Geleximco, trình độ thi công và năng lực của tập đoàn Trung Quốc cũng tương đối cao.

"Có thể thực tế trình độ, năng lực của doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chưa thể đạt chuẩn mực của các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay EU.

Thực ra, khi đã quen biết nhau rồi, đã làm việc với nhau nhiều lần rồi thì sẽ dễ nói, dễ trao đổi với nhau hơn. Mặt khác, đã có quan hệ làm ăn lâu dài, đã vào guồng với nhau rồi thì các vấn đề về định mức chi phí hay ăn chia cũng dễ hơn.

Phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc biết quá rõ các nhà đầu tư Việt Nam và biết cách quan hệ với các nhà đầu tư Việt Nam để họ sẵn sàng đồng ý tăng thêm các chi phí cho dự án hay giảm chất lượng, khối lượng dự án..., thậm chí thay đổi kết cấu của dự án.

Doanh nghiệp Trung Quốc giỏi làm các động tác bên lề này, do đó có thể thấy trước rằng nếu Việt Nam đồng ý hợp tác với các chủ đầu tư, nhà thầu Trung Quốc thì việc làm ăn của Geleximco sẽ dễ dàng hơn, nhưng chất lượng dự án chắc chắn sẽ không cao bằng nếu hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, EU...", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Mặt khác, theo vị chuyên gia, thông thường đối với các dự án ở nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc có thể vay được của chính phủ nước này một mức vốn nhất định, đặc biệt bây giờ Trung Quốc đang có một lượng dự trữ ngoại hối lớn và muốn có ảnh hưởng về mặt chính trị, xã hội ở các quốc gia xung quanh.

Đại gia Vũ Văn Tiền muốn bắt tay cùng với một số doanh nghiệp Trung Quốc xây sân bay Long Thành

"Chính vì thế, họ sẵn sàng cho vay với mức lãi suất không cao, dĩ nhiên đằng sau chuyện đó còn nhiều vấn đề, ngay cả các dự án mà nhà thầu, chủ đầu tư Trung Quốc đang làm ở Việt Nam.

Đừng nghĩ họ cho vay lãi suất thấp hơn mà dự án tốt hơn. Có thể chủ dự án, người đi vay được lợi gì đó, nhưng đối với quan hệ giữa hai bên lại là một vấn đề khác.

Đối với các dự án cho vay, Trung Quốc thường tính bằng đồng nhân dân tệ và đằng sau sự lên xuống của nó còn chuyện khuếch trương vị thế của đồng nhân dân tệ và của các nhà thầu Trung Quốc trên đất Việt Nam.

Đây là vấn đề cần xem xét cẩn trọng và trong chuyện tìm các nhà tài trợ vốn, chủ đầu tư, nhà thầu, Việt Nam cần loại bỏ các loại ích nhóm để từ đó có những dự án đạt chuẩn quốc tế và có giá trị bền vững với thời gian cũng như phù hợp với yêu cầu của công việc xây dựng và chất lượng của 20-30 năm sau.

Nếu bây giờ Việt Nam chọn nhà thầu, đến khi có được sân bay Long Thành ít nhất cũng phải mất 20 năm mới xong. Nếu không nhìn xa hơn, chất lượng, hiệu quả, giá trị của các dự án thì sẽ sớm bị lạc hậu.

Sân vận động Mỹ Đình hay các dự án đang làm, kể cả đường sắt trên cao ở các đô thị lớn, là ví dụ. Về mặt công nghệ, Việt Nam đang đi chậm so với thế giới hàng chục năm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Trở lại với việc Geleximco chọn hợp tác với nhà thầu Trung Quốc chứ không phải nhà thầu Nhật Bản hay EU, ông Thịnh nhận định, cho biết, các nhà thầu, chủ dự án hoặc các nhà tài trợ Nhật Bản thường đòi hỏi phải công khai, minh bạch các số liệu.

Thậm chí, nếu có khuất tất hay tham nhũng trong dự án thì dẫu dự án đã hoàn thành cách đó cả chục năm, các nước này sẵn sàng bới ra, đưa các doanh nghiệp này ra tòa và khi ấy, doanh nghiệp đó phải hứng chịu hậu quả do liên quan đến chạy dự án, hối lộ, tham nhũng...

"Doanh nghiệp trong nước ít muốn chọn doanh nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU... là vì nếu chơi với một anh nghiêm chỉnh, trong sạch thì họ được ít "cá" và việc thực hiện dự án có thể chậm trễ hơn vì doanh nghiệp của quốc gia đó chỉ đi đường thẳng, việc kiểm tra, giám sát cũng chặt chẽ và đòi hỏi cao hơn.

Nếu đi đường cong, họ có thể bôi trơn để lót đường cho nhanh hơn, nhưng họ không làm việc đó vì nếu làm thì sau này không biết hạch toán vào đâu, không biết nói với ai, thậm chí họ có thể bị đưa ra tòa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Một số ý kiến băn khoăn rằng Geleximco là tập đoàn mạnh với hơn 30 công ty thành viên, liên doanh liên kết trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ…, doanh thu năm 2013 đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Với tiềm lực như vậy, nếu Geleximco kết hợp với những đối tác của họ là doanh nghiệp Trung Quốc, được giới thiệu là có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư và xây dựng, trong trường hợp được giao thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn, đó có thể là tín hiệu tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến hợp tác.

Về điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tỏ ra kém tin tưởng. Ông thẳng thắn: "Đối với số liệu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân, độ tin cậy của chúng không cao.

Đừng nghĩ những cái đó chứng minh cho năng lực tài chính. Có nhiều các đại gia khoe vốn nọ, vốn kia nhưng thực chất đó là tiền họ đi vay của các ngân hàng, các tập đoàn tài chính, còn bản thân họ có gì thì đấy là cả một vấn đề.

Làm kinh tế phải nhìn vào thực lực và thực chất, đừng nghe một chiều giới thiệu của chủ đầu tư. Ai bán hàng cũng bảo hàng mình tốt, ai muốn nhận thầu chẳng nói năng lực tài chính của mình tuyệt vời, nhưng thực tế có khi toàn là thùng rỗng, mà thùng rỗng vỗ mới kêu to".

Nói không với nhà thầu Trung Quốc

Trở lại với dự án sân bay Long Thành, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam muốn xây dựng sân bay Long Thành thành một sân bay lớn của Đông Nam Á với tổng chi phí rất lớn, thời gian xây dựng dài và mức độ đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Đây cũng là dự án ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong 50-70 năm tới vì lưu lượng hàng không sẽ tăng lên một cách đáng kể.

Ông khẳng định, nếu chọn các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành là không hợp lý vì các tập đoàn trong nước dù lớn nhưng còn rất lâu mới xứng tầm thế giới.

Đặc biệt, đây lại là dự án rất lớn và quan trọng, đòi hỏi độ chính xác cao . Vì thế, việc lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài là một trong những đòi hỏi lớn.

Mặt khác, xét về năng lực tài chính, vị chuyên gia lưu ý phải tìm đến nhà đầu tư lớn của thế giới và có kinh nghiệm thực thi các dự án.

"Trung Quốc không có kinh nghiệm xây sân bay quốc tế lớn. Hơn nữa, đối với các nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam đã có quá nhiều bài học đắt giá về việc đội giá, hạ thấp tính năng kỹ thuật, thay đổi kết cấu dự án... Cho nên, nếu tiếp tục chọn thì ngựa lại theo đường cũ và Việt Nam sẽ giẫm vào vết xe đổ từ nhiều năm nay.

Dự án sân bay Long Thành là dự án sẽ tồn tại lâu dài và đòi hỏi có tầm nhìn dài hạn, độ bền vững để có thể khai thác, vận hành trong thời gian hàng trăm năm. Chính vì thế cần cẩn trọng và không nên ngại ngần bỏ ra chi phí lớn hơn cho việc đảm bảo chất lượng và các yêu cầu kết cấu, tính năng của một dự án trọng điểm như vậy", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vi-sao-geleximco-muon-bat-tay-doanh-nghiep-trung-quoc-3341930/?paged=2)

Theo Thành Luân/Báo Đất Việt