Một học giả Nga đã tuyên bố rằng, Quốc hội Mỹ đã trói tay và trói chân ông Trump, Hoa Kỳ dường như không còn tổng thống nữa.
Trump bị mắc bẫy của giới chính trị Mỹ?
Hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký vào dự luật mới áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, Iran và Triều Tiên. Trước đó, dự luật này đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua.
Theo Pavel Sharikov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc ký kết dự luật của Trump là kết quả của áp lực chính trị nội bộ đối với chủ nhân Nhà Trắng; quan hệ Nga - Mỹ đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Washington.
Theo ông Pavel Sharikov, kế hoạch của Donald Trump đối với Nga vẫn chưa rõ ràng. Dĩ nhiên, dự luật mới được ký sẽ trói tay khiến ông Trump không thực hiện được kế hoạch “hợp tác tốt với Tổng thống Nga Putin” mà ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Nhà phân tích chính trị Nga đánh giá, Tổng thống Mỹ bị rơi vào bẫy do “những nhà lập pháp không hài lòng với Trump và chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử” vạch ra, để chống lại ông và tạo áp lực chính trị lên chủ nhân Nhà Trắng, biến quan hệ Mỹ-Nga trở thành con tin của áp lực này.
Ông Sharikov nhận định, về cơ bản, ký phê chuẩn bản dự thảo này trở thành luật đối với Tổng thống Donald Trump là việc mà ông không hề mong muốn, bởi trong trường hợp Tổng thống Mỹ không đồng ý, Quốc hội có quyền bác bỏ quyết định của ông.
Ông Trump cũng đưa ra một tuyên bố thể hiện quan ngại đối với dự luật này. Theo ông, nó tồn tại “thiếu sót nghiêm trọng” khi làm giảm cơ hội đàm phán về các biện pháp trừng phạt nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Ví dụ như Trump cần phải có sự cho phép của Quốc hội để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga của người tiền nhiệm Obama hay trả lại tài sản ngoại giao của Nga bị tịch thu từ chính quyền trước đó, hoặc bị quốc hội ngăn chặn bất cứ kế hoạch nào có ý tưởng “xích lại gần Nga”.
Tổng thống Trump đang không thể tự quyết trong các chiến lược của mình |
Trump đang bị lưỡng viện Mỹ “vô hiệu hóa”
Bình luận về vấn đề này, ông Andrey Suzdaltsev, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế và chính trị thế giới trường Đại học Kinh tế cao học tuyên bố rằng, những hành động gần đây của Quốc hội Mỹ đã cho người ta thấy sự dịch chuyển hiến pháp của Hoa Kỳ đã xảy ra.
Theo ông Suzdaltsev, hiện nay, một tình huống bất thường mà từ trước đến nay chưa hề có đã diễn ra tại Hoa Kỳ, đó là “một cuộc đảo chính hiến pháp” diễn ra ở nước Mỹ. Tuy chậm chạp, nhưng sự dịch chuyển trong hệ thống chính trị Mỹ là xu hướng không thể ngăn cản.
Theo ông Suzdaltsev, Mỹ là một nước cộng hòa tổng thống, nơi người đứng đầu cơ quan hành pháp có những quyền lực mạnh mẽ, luôn hướng theo phản ứng của Quốc hội. Nhưng đã có một hệ thống đối trọng khiến hiện nay tầng lớp ưu tú của Mỹ bị chia rẽ - ông Suzdaltsev nói.
Cuộc khủng hoảng chính trị trong lòng nước Mỹ nổ ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống mùa thu năm 2016 cho đến ngày nay vẫn tiếp tục. Bằng cách ép Trump ký luật trừng phạt mới, “Quốc hội Mỹ đã trói tay trói chân ông Trump, thực hiện sự di chuyển hiến pháp" - ông Suzdaltsev nói.
Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh, Trump lúc này là một nhân vật vô vọng cho đối thoại chính trị. Tiến hành đối thoại với Mỹ là vô nghĩa, bởi ông Trump không có khả năng tự quyết. Nếu muốn thương lượng thì phải là với các dân biểu ở cả hai viện chứ không phải với tổng thống Mỹ.
Do đó, vị chuyên gia Nga cảnh báo rằng, đừng ai nên hy vọng hão huyền vào một bước ngoặt mới trong quan hệ Nga-Mỹ sau khi ông Donald Trump bước lên chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Thậm chí Moscow còn đang bước vào giai đoạn có thể khó khăn hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.
Trump chỉ là con tin của giới thượng lưu chính trị Mỹ?
Khi ông Donald Trump đắc cử, có chuyên gia đã nhận định rằng, một thuận lợi lớn cho ông trong việc đưa ra các quyết sách lớn là đảng Cộng hòa còn giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Đồng thời, đảng này cũng có đa số ghế trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, 6 tháng sau quan điểm này đã cho thấy nó hóa toàn thiếu tính thực tiễn, việc tất cả 3 nhánh quyền lực quốc gia nằm trong tay đảng “Con voi” cũng không hề giúp được điều gì cho ông Trump, thậm chí nhiều khó khăn còn xuất phát từ chính đảng của ông.
Điều này là không có gì khó hiểu, ông Trump có nhiều vấn đề khúc mắc và những mâu thuẫn khó giải quyết, thậm chí ngay trong nội bộ đảng của mình.
Vị tỷ phú ngông nghênh bị giới chính trị Mỹ mỉa mai là “làm loạn” chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ theo đúng với nghĩa đen của từ này và bất ngờ làm “kinh hoảng” cả “bên ta lẫn bên địch”, tức là các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa và cả các đối thủ của đảng Dân chủ.
Donald Trump không tìm thấy ngôn ngữ chung với nhiều đảng viên trong đảng. Một số đảng viên Cộng hòa cấp cao, ví dụ cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell - người chỉ trích Trump là "nỗi ô nhục", đã từng kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho… ứng viên đối thủ Hillary Clinton!
Ngoài ra, không phải tất cả các đảng viên Cộng hòa đều chia sẻ quan điểm với Trump về cái mà họ gọi là “một ý tưởng chống nước Mỹ”, tức là “Hoa Kỳ không thể và không cần phải tiếp tục đóng vai một ‘sen đầm đơn độc’ trên thế giới, nên Mỹ cần phải hợp tác với các nước khác, kể cả với Nga”.
Quan hệ Nga-Mỹ sẽ không bao giờ được cải thiện, bất kể đó là mong muốn của ông Trump |
Do đó, chính những đảng viên Cộng hòa “bất mãn" với Trump đã chặn các sáng kiến gây tranh cãi nhất của ông trong Quốc hội, còn các đảng viên Dân chủ cực kỳ thất vọng sau trận thua trước đảng Cộng hòa cũng đang tìm mọi cách chặn tay vị tỷ phú "điên rồ" này.
Giới thượng lưu chính trị và trùm tài phiệt quốc phòng Mỹ cũng có thể là những kẻ đứng sau ra tay ngăn chặn Trump khi ông đưa ra những quyết định bất lợi cho họ, ví dụ như trong quan hệ với “đối thủ ý thức hệ” là Nga hoặc giảm can thiệp quân sự trên thế giới, bởi nó động chạm đến món lợi khổng lổ từ các hợp đồng vũ khí của họ.
Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ cũng khó mà chấp nhận “thuyết người bảo vệ” của Trump, các đồng minh NATO ở châu Âu cũng có những tác động không nhỏ tới giới tinh hoa chính trị Mỹ để làm sao cho ông Trump không “đi chệch đường” trong quan hệ với Nga và các đối tác châu Âu.
Trên thực tế, bất cứ tổng thống nào của Hoa Kỳ cũng không thể độc lập tự quyết những chiến lược, chính sách lớn của đất nước, mà phải phụ thuộc rất sâu vào những “kẻ giấu mặt” trong quốc hội. Và ông Trump cũng không thể thoát khỏi cái vòng kim cô đó.