Vì sao chưa triển khai đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh sân bay Côn Đảo?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo. Tại văn bản này, Bộ GTVT cũng nêu rõ ưu nhược điểm của các phương án đầu tư, đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo phương án ban đầu, thay vì chuyển sang đầu tư PPP.

Cần tới hơn 9000 tỷ để kéo dài đường cất, hạ cánh

Quy hoạch cảng hàng không (CHK) Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1533/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2021. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 dự kiến mở rộng và nâng cấp đường cất hạ cánh, đầu tư xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay (8 vị trí); xây dựng nhà ga hành khách với công suất khoảng 2,0 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các công trình quản lý, điều hành bay.

sb.jpg -0
Dự kiến, sân bay Côn Đảo sẽ tạm ngưng hoạt động khoảng 9 tháng, từ tháng 4/2023 đến 12/2023 để xây dựng, nâng cấp.

Giai đoạn sau năm 2030 định hướng kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển (phía Đông Bắc của đường cất hạ cánh) với kích thước 2400m x 45m; mở rộng khu hàng không dân dụng đáp ứng công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm. Do đặc thù về điều kiện triển khai thi công tại huyện Côn Đảo, sơ bộ tổng mức đầu tư các công trình theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 trên khoảng 4250 tỷ đồng. Trường hợp thực hiện đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh ra phía biển với kích thước 2400m x45m; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.350 tỷ đồng; riêng chi phí đầu tư hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn khoảng 6.780 tỷ đồng.

Trên cơ sở hiện trạng về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng, trình tự thủ tục đầu tư các công trình, hiện Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đang triển khai 3 dự án thành phần nâng cấp CHK Côn Đảo. Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sử dụng vốn ngân sách có mục tiêu mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830m x 45m; xây dựng mới 1 đường lăn song song và 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay mới; hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác các loại máy bay code C (A319, A320neo/ceo) theo quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.680 tỷ đồng, trong đó Cục Hàng không Việt Nam được giao là chủ đầu tư, hiện đang tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ xác định tổng mức đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Tiến độ triển khai dự kiến hoàn thành quý II năm 2025. Dự án xây dựng các công trình bảo đảm hoạt động bay do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn tự có doanh nghiệp gồm: Đài dẫn đường vô tuyến vô hướng (NDB); hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AWOS); đài kiểm soát không lưu.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án này khoảng 170 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đang triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ hoàn thành dự kiến quý II năm 2025. Dự án xây dựng sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khu hàng không do Tổng Công ty CHK Việt Nam - ACV là doanh nghiệp đang khai thác Cảng hàng không Côn Đảo đầu tư.

Không chọn nâng cấp bằng phương án PPP

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ có hạn, Bộ GTVT đã tập trung ưu tiên phân bổ vốn để đầu tư các tuyến đường cao tốc theo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 các Nghị quyết của Quốc hội nên chưa thể cân đối nguồn vốn đầu tư theo phương án kéo dài đường cất hạ cánh. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng kéo dài đường cất hạ cánh ra biển sẽ mất nhiều thời gian tổ chức thi công và thời gian dừng hoạt động của CHK Côn Đảo.

Với cấu hình đường cất hạ cánh kích thước 1830m x 45m có thể đáp ứng đa dạng các chủng loại máy bay thế hệ mới hiện nay, bảo đảm khả năng tăng tần suất khai thác tại CHK Côn Đảo. Đồng thời, Bộ GTVT đang nghiên cứu bổ sung khu vực an toàn cuối đường cất hạ cánh (RESA), bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị chưa triển khai đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh trong giai đoạn này mà sẽ được nghiên cứu đầu tư khi kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại huyện Côn Đảo được phát triển đồng bộ và nhu cầu vận tải hàng không tăng cao.

Nói về phương án huy động nguồn vốn, Bộ GTVT cho biết, với sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 4250 tỷ đồng, trường hợp nghiên cứu đầu tư CHK Côn Đảo theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT đề xuất phương án kêu gọi đầu tư toàn bộ các công trình thiết yếu tại Cảng (trừ các công trình đảm bảo hoạt động bay) để hình thành người khai thác CHK mới thay thế người khai thác CHK Côn Đảo hiện hữu (ACV); giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Phương án này có ưu điểm là toàn bộ các công trình kết cấu hạ tầng CHK do một nhà đầu tư thực hiện đầu tư, quản lý khai thác; các công trình hoạt động đồng bộ; nhà đầu tư cân đối lợi nhuận giữa các công trình sinh lợi nhuận cao (nhà ga hành khách, sân đỗ) để đầu tư các công trình thiết yếu ít mang lại lợi nhuận (khu bay, các công trình hạ tầng thiết yếu khu hàng không dân dụng…). Song phương án cũng có nhược điểm là phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch /kế hoạch sử dụng đất quốc phòng (khu vực đường cất hạ cánh đường lăn) trong khi phương án Bộ GTVT đầu tư hiện nay không cần thực hiện điều chỉnh; phải xử lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước là ACV; rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở thực hiện đầu tư.

Phương án tài chính của dự án PPP được xác định trên cơ sở doanh thu và chi phí vận hành, khai thác. Song theo số liệu thống kê cho thấy một số CHK do ACV quản lý khai thác có quy mô công suất khoảng 1,5-2 triệu khách/năm, khả năng cân đối thu chi tương đối khó khăn. Chi phí vận hành hàng năm để bảo đảm dây chuyền hoạt động của CHK với công suất nêu trên tương đối lớn. ACV đang cân đối lợi nhuận từ các CHK có sản lượng hành khách cao để đầu tư, bảo trì các CHK có quy mô nhỏ. Vì vậy, phương án tài chính khi đầu tư theo hình thức PPP thường kéo dài thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư (trung bình khoảng 45-50 năm). Trường hợp triển khai dự án theo phương thức PPP để bảo đảm khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư, Nhà nước cần tham gia góp vốn trong phương án tài chính với tỷ lệ lớn (thậm chí trên 50%).

Trên cơ sở nội dung báo cáo và so sánh các phương án đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo quy định hiện hành để bảo đảm tiến độ mở rộng CHK Côn Đảo, sớm đưa vào khai thác, ổn định hoạt động vận tải của địa phương. Về tổ chức thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Ủy ban quản lý vốn chỉ đạo ACV cân đối nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư mở rộng các công trình khu hàng không dân dụng của CHK Côn Đảo theo quy hoạch được phê duyệt giai đoạn đến năm 2030 (xây dựng nhà ga hành khách mới thay vì mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu), bảo đảm tiến độ hoàn thành đồng bộ và khai thác các công trình. Giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư các dự án thành phần sớm hoàn thành đưa vào khai thác công trình, hạn chế tối đa thời gian dừng khai thác Cảng.

https://cand.com.vn/Giao-thong/vi-sao-chua-trien-khai-dau-tu-keo-dai-duong-cat-ha-canh-san-bay-con-dao--i672471/

Nhật Uyên / cand.com.vn