Vì sao chủ đầu tư đòi đóng BOT Hòa Lạc-Hòa Bình?

 Bộ GTVT không giữ lời hứa dẫn đến hệ quả các trạm BOT đặt trên các tuyến đường độc đạo khiến chủ đầu tư cứ "làm mình làm mẩy".

Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình do Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình làm chủ đầu tư được Bộ GTVT chấp thuận phương án, hoàn vốn qua 2 trạm thu phí tại QL6 và đường Hoà Lạc - Hoà Bình.

Hiện trên tuyến QL6, chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí tại Lương Sơn - Hòa Bình từ năm 2015. Còn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình chưa được thu phí bởi chủ đầu tư chưa thanh toán số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho UBND tỉnh Hòa Bình.

Hiện tại, ngân hàng đã tạm dừng giải ngân vốn vay cho dự án từ đầu tháng 2/2018 nên công ty không có đủ tiền thực hiện quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng tuyến đường.

Trước tình hình đó, chủ đầu tư có công văn gửi đến Bộ GTVT thông báo sẽ đóng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình từ ngày 15/4, không cho xe lưu thông.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không đồng ý với phương án của Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, yêu cầu doanh nghiệp này không tự ý dừng phục vụ phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình trong quá trình bảo trì công trình dự án khi chưa được Bộ GTVT chấp thuận.

Trước vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, vấn đề tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình là hệ quả của việc Bộ trưởng Bộ GTVT không giữ đúng lời hứa.

vi sao chu dau tu doi dong bot hoa lac hoa binh

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Ảnh TTO)

"Muốn làm đường BOT thì từ A đến B phải có 2 tuyến đường, trong đó một tuyến đường không thu phí còn một tuyến đường có tổ chức thu phí để cho người dân có quyền lựa chọn. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GTVT hứa trước nhân dân sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, từ Hà Nội đi Hòa Bình hiện nay có 2 tuyến đường chính, một là các xe lưu thông trên tuyến QL6, hai là đi từ Đại lộ Thăng Long ra đoạn Hòa Lạc đi Hòa Bình. Hiện nay cả hai tuyến đường này đều đã được Bộ GTVT có chủ chương giao chủ đầu tư đặt trạm thu phí đồng thời trên cả 2 tuyến đường này.

Điều đó đã vô tình tạo nên tuyến đường độc đạo, người dân không có sự lựa chọn, đi đường nào cũng bị thu phí. Và khi chủ đầu tư thấy tuyến đường chưa đủ điều kiện thu phí thì sẽ tiến hành đóng tuyến, không cho xe lưu thông để dồn lưu lượng xe về tuyến đang được thu phí" - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Một nguyên nhân khác cũng được ông Thủy đề cập đến là do trong quá trình ký kết hợp đồng, Bộ GTVT không quy định không chặt chẽ, trong những trường hợp nào chủ đầu tư được đóng tuyến đường, trường hợp nào không được đóng nên chủ đầu tư mới có cớ đòi đóng tuyến đường, hay đòi trả hoặc bán lại dự án BOT cho Nhà nước như đã từng xảy ra tại nhiều dự án khác.

"Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư phải trả lời được câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp được làm đường BOT? Điều kiện gì để nhà đầu tư được thu tiền? Trong đó, nếu có điều khoản nhà đầu tư phải nộp đủ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng nơi tuyến đường đi qua thì mới được thu tiền thì có lẽ Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đã không có cơ sở để đòi đóng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình" - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Chính những kẽ hở này đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư "tiền trảm hậu tấu", không có đủ năng lực nhưng vẫn làm hồ sợ đấu thầu, vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án rồi thu tiền của người dân bù vào. Đến khi không được như dự tính, ngân hàng không giải ngân thì gặp bế tắc, không lấy đâu ra tiền để tiếp tục hoàn thiện dự án và phải đánh liều, tháo chạy.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cũng cho rằng, hệ quả của việc Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đòi đóng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình là luật đầu tư các dự án BOT chưa hoàn thiện, trong quá trình ký kết hợp đồng còn có nhiều kẽ hở để nhà đầu tư dựa vào đó để bắt bẻ.

"Tôi cho rằng, nhà đầu tư không hẳn vô lý khi đòi đóng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình. Chắc chắn họ có lý lẽ, căn cứ của họ. Tuy nhiên, việc có đóng được hay không thì cũng phải chờ vào quyết định của cơ quan chức năng" - ông Toản nhận định.

Theo hai vị chuyên gia, do hợp đồng Bộ GTVT ký kết với nhà đầu tư không thể hiện rõ điều kiện khoản kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới việc nhà đầu tư dự án được thu phí khi nào nên vấn đề đóng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ có nhiều tranh cãi, cả Bộ GTVT và Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đều có những lý lẽ của riêng mình.

Vì thế, Bộ GTVT và nhà đầu tư cần ngồi lại với nhau đàm phán, đưa ra phương án khả thi nhất để không ảnh hưởng đến quyền lợi của 3 bên Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần hoàn thiện hệ thống luật đầu tư các dự án BOT, quy định rõ, chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng đã ký với nhà đầu tư để tránh hệ lụy tương tự sẽ xảy ra ra trong tương lai.

vi sao chu dau tu doi dong bot hoa lac hoa binh Ảnh: Tuyến đường BOT nghìn tỷ đồng cắt núi nối Hà Nội - Hòa Bình trước ngày thông xe

Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ chính thức đưa vào sử ...

/ http://baodatviet.vn