Các nhà khoa học Na Uy nghiên cứu hơn 100.000 người trong 40 năm, kết luận béo phì là do gene di truyền kết hợp lối sống, ăn uống.
Một số người dễ dàng tăng cân hơn người khác do gene di truyền của họ. Tuy nhiên, chỉ khi gene béo phì tương tác với các yếu tố thuộc về môi trường như chế độ ăn uống, lối sống và hoạt động thể chất, mới có điều kiện phát huy hết khả năng của chúng. Đây là kết luận từ các nhà khoa học ở Na Uy sau khi tiến hành nghiên cứu trên 100.000 người trong vòng bốn thập kỷ qua.
Theo nhà khoa học Maria Brandkvist từ Khoa Sức khỏe Cộng đồng và Điều dưỡng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, tác giả chính nghiên cứu, năm 1960, một người đàn ông 35 tuổi có chiều cao trung bình và sở hữu gene béo phì sẽ nặng hơn người không có gene béo phì khoảng 3,9 kg. Vẫn người đàn ông 35 tuổi này nhưng sống ở thời nay, anh ta sẽ nặng hơn người khác 6,8 kg. Nguyên nhân là thời nay các điều kiện về lối sống, thực phẩm nạp vào cơ thể khác những năm 1960, tạo môi trường thuận lợi cho gene béo phì phát huy mạnh hơn, từ đó cơ thể sẽ béo hơn.
Béo phì được các nhà khoa học xác định vừa do gene di truyền vừa do lối sống sinh hoạt. |
Các nhà nghiên cứu cho rằng số người béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần trong 40 năm qua. Vì vậy họ tiếp tục phân tích dữ liệu của 118.959 người tuổi từ 13 đến 80 để tìm nguyên nhân sâu xa. Những người tham gia nghiên cứu được đo chiều cao và cân nặng rất nhiều lần trong thời gian từ năm 1963 đến 2008. Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích để tìm kiếm sự liên quan giữa BMI (chỉ số thể trọng cơ thể, là cách nhận định cơ thể của một người gầy hay béo) và gene di truyền trên 67.305 người.
Kết quả cho thấy có sự khác nhau đáng kể về chỉ số BMI giữa người có gene béo phì và người không. Chỉ số BMI của những người có gene béo đều tăng trong 5 thập kỷ từ năm 1960 đến 2000, tăng rõ rệt trong những năm 1990.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo những người mang gene béo phì nên áp dụng các phương pháp giảm cân như tăng hoạt động thể chất và hạn chế ăn thực phẩm có mức năng lượng cao.